Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì đa dạng các hình thức bảo vệ rừng

Khuất Duyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba Vì là huyện miền núi có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 40% tổng diện tích rừng của TP Hà Nội. Nhiều năm qua, diện tích rừng trên địa bàn luôn được bảo vệ, phát triển tốt, góp phần bảo vệ môi trường, môi sinh và tạo ra nguồn thu nhập đáng kể, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng.

Diễn tập PCCCR năm 2018.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Hiện nay, rừng của Ba Vì đang phải gánh chịu rất nhiều thách thức như tốc độ đô thị hóa nhanh, ý thức bảo vệ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) của một bộ phận người dân tộc tại các xã có rừng còn hạn chế nên vẫn còn hiện tượng phá rừng, cháy rừng xảy ra. Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, huyện Ba Vì luôn chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức của Nhân dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Huyện Ba Vì có tổng diện tích tự nhiên gần 424km2, diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 9.867ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là trên 7.700ha gồm 2.859ha rừng tự nhiên, 4.399ha rừng trồng với nhiều loại động thực vật quý hiếm.
Theo đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Vì đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn. Huyện đã tuyên truyền, vận động trồng và bảo vệ rừng tới từng người dân trên địa bàn. Nhờ vậy, trong những năm qua, Ba Vì được đánh giá là địa phương có rừng thực hiện tốt công tác PCCCR, không để có cháy lớn xảy ra.
Theo ông Nguyễn Danh Sáu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Vì, khó khăn lớn nhất đối với Hạt Kiểm lâm là đội ngũ cán bộ quá mỏng, với tổng số 15 cán bộ công nhân viên quản lý trên 9.867ha diện tích rừng. Để tuần tra, kiểm soát rừng không để xảy ra cháy nổ, thất thoát là một khó khăn lớn. Chưa kể đến ý thức của người dân còn hạn chế, nhiều khu vực đồng bào còn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của rừng, nên không quan tâm bảo vệ rừng. Chính vì vậy, để chuyển đổi nhận thức của người dân các xã có rừng trên địa bàn huyện thì công tác tuyên truyền cần được đặt lên hàng đầu.
Theo đó, Hạt kiểm lâm Ba Vì đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện như Trung tâm văn hóa – Thông tin và Thể thao; Phòng GD&ĐT, UBND các xã có rừng tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến từng người dân, từng học sinh về tầm quan trọng của rừng, kêu gọi trách nhiệm của người dân trong việc trồng, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên rừng.
Các hình thức tuyên truyền chủ yếu là tuyên truyền cổ động bằng xe ô tô, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn với 12 buổi. Đồng thời, viết và phát sóng hàng trăm tin bài, cấp phát hơn 30.000 tờ rơi, tập tranh tuyên truyền về bảo vệ rừng, PCCCR trên 26 xã miền núi, vùng đồi gò và các trường THCS, tiểu học trên địa bàn có cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản...
Đặc biệt, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với UBND huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức thành công 2 cuộc diễn tập chữa cháy rừng cấp xã và 1 cuộc diễn tập cấp huyện với sự tham gia của hơn 600 người. Qua đó, đã hoàn thiện phương án chữa cháy rừng, đồng thời giúp các lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm và người dân hợp đồng tác chiến khi có cháy rừng xảy ra.
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp tổ chức được 3 buổi tập huấn nghiệp vụ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng PCCCR giai đoạn 2015 – 2020 của TP Hà Nội và dự án tuyên truyền tập huấn xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào PCCCR với 180 người tham dự. Trong những ngày nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn cao, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao kịp thời thông báo cấp dự báo cháy rừng và nhắc nhở chính quyền địa phương các xã có rừng, các chủ rừng tăng cường, chủ động trong công tác PCCCR.
Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng kiểm lâm đã tích cực, chủ động bám sát cơ sở, tham mưu, hướng dẫn, giúp đỡ chính quyền địa phương các xã có rừng, các chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng PCCCR. Trong nhiều năm qua, công tác PCCCR và ý thức bảo vệ rừng của người dân đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giảm tải gánh nặng cho lực lượng kiểm lâm.
Diễn tập PCCCR năm 2018.
Phát triển rừng gắn với kinh tế
Gia đình anh Nguyễn Minh Tuấn, thôn Ninh, xã Khánh Thượng, cũng như không ít hộ gia đình ở địa phương từ năm 1995 đã được giao quản lý và cải tạo 67ha rừng tạp để đưa cây keo, xen canh cây trám, sấu, lát, mỡ vào trồng mới. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc và bảo vệ, đến nay toàn bộ diện tích rừng trồng của gia đình anh Tuấn phát triển tốt. Gia đình anh đã được thu hoạch tỉa keo một đợt, trừ chi phí cho thu lãi 40 triệu đồng/ha.
Diện tích mỡ, lát, sấu, trám cũng sắp cho khai thác, dự kiến sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Anh Nguyễn Minh Tuấn cho biết, từ khi được nhận khoán rừng, gia đình được quan tâm hỗ trợ về vốn, cây giống, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Gia đình luôn tuân thủ các quy định về khai thác và PCCCR kết hợp chăn nuôi trâu, bò dưới tán rừng, trồng xen canh các loại cây để phát triển kinh tế gia đình.
UBND huyện Ba Vì đã triển khai các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích các cá nhân, tập thể và người dân tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc, trồng rừng. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn huyện. 9 tháng đầu năm 2018 toàn huyện đã trồng mới trên 18,75ha rừng với các loại cây như keo, bạch đàn, sấu, lát và cây thuốc Nam...
Khánh Thượng là xã có diện tích đất có rừng lớn nhất toàn huyện với 1.538ha; trong đó rừng tự nhiên 283ha, rừng trồng là 1.075ha. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trung Thành, với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân xã thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân, các chủ rừng nâng cao ý thức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, gắn trách nhiệm với quyền lợi của người trồng rừng. Đồng thời, động viên Nhân dân tham gia nhận khoán, trồng thâm canh, xen canh các giống cây mới, hiệu quả kinh tế cao để phát triển kinh tế. Xã cũng đã thành lập 4 đội xung kích bảo vệ PCCCR với lực lượng gồm các công an viên, trưởng xóm và dân quân, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngoài chú trọng tuyên truyền, huyện Ba Vì thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình. Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 1.379ha đất rừng sản xuất được giao khoán cho các tổ chức và các hộ gia đình nhận khoán trồng và bảo vệ rừng. Trong đó có hàng trăm hộ thuộc các xã Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì nhận khoán bảo vệ hơn 7.000ha rừng đặc dụng tại khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Vì gắn với phát triển kinh tế. Thực hiện theo phương án này không những rừng được bảo vệ, chăm sóc tốt, mà các hộ gia đình nhận khoán còn được phát triển chăn nuôi dưới tán rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững.