Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì gian nan phá thế thuần nông

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những huyện thuần nông còn nhiều khó khăn của TP Hà Nội, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Ba Vì gặp phải không ít rào cản do thiếu sức hút đầu tư từ DN.

Sản xuất theo truyền thống

Ngay từ xuất phát điểm, Ba Vì đã được đánh giá là địa phương nằm trong tốp khó khăn của TP do địa bàn rộng, lại có tới 7 xã đồng bào dân tộc miền núi. Tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp của vùng đất núi Tản không phải là ít khi sở hữu một số sản phẩm đặc trưng có tiếng trên thị trường như chè, gà đồi, bò sữa, khoai lang Đồng Thái… Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến thẳng thắn đánh giá, với địa bàn nông thôn chiếm tỷ lệ cao, chủ yếu thuần nông, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của huyện gặp nhiều khó khăn. “Việc thu hút DN đầu tư vào sản xuất còn hạn chế. Đã có DN đăng ký đầu tư nhưng cuối cùng lại rút, không triển khai” – ông Tiến cho hay.
Chăn nuôi bò BBB xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Ảnh Quang Thiện
Chăn nuôi bò BBB xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Ảnh Quang Thiện
Thời gian qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trên địa bàn huyện Ba Vì đã được quan tâm. Bằng chứng là ngay trong vụ Xuân 2016, năng suất lúa toàn huyện đạt 65 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa cũng đã bước đầu hình thành. Mặc dù vậy, đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM huyện Ba Vì trong 6 tháng đầu năm 2016 cũng chỉ ra hạn chế lớn trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Đó là một số xã chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, công sức lao động mà chủ yếu vẫn sản xuất theo truyền thống. Bởi vậy, giá trị sản phẩm hàng hóa chưa cao và thiếu sức cạnh tranh.

Cũng chính bởi sản xuất nông nghiệp chưa có sức bật nổi trội nên cho đến thời điểm này, Ba Vì còn tới 18/30 xã chưa đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, chiếm tỷ lệ 60%. Cùng với đó, tiêu chí hộ nghèo cũng còn tới 17/30 xã chưa đạt, chiếm tỷ lệ 57%. Rõ ràng, dù đời sống của người dân đã từng bước được cải thiện, song việc phá thế thuần nông, tạo chuyển biến cho nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM của Ba Vì vẫn còn những hạn chế nhất định.

Lấy công nghệ cao làm nền tảng

Đến nay, Ba Vì có 7 xã đạt chuẩn NTM, một kết quả còn khiêm tốn so với mặt bằng chung toàn TP. Huyện phấn đấu trong năm 2016 có thêm 3 xã là Sơn Đà, Đông Quang và Thụy An hoàn thành xây dựng NTM. Đặt mục tiêu 3 xã về đích trong năm nay cho thấy lãnh đạo huyện cũng khá thận trọng và căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương. Cùng với giải bài toán nguồn lực cho xây dựng NTM, vấn đề được huyện đặc biệt quan tâm là tạo sức bật cho nền kinh tế.

Điều thuận lợi là sau dồn điền đổi thửa, Ba Vì đã hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn theo quy hoạch và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tiềm năng lợi thế của địa phương như lúa hàng hóa, rau an toàn Minh Châu, Chu Minh, Tây Đằng, Thụy An… Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng cho biết, huyện đã khoanh vùng tập trung để sản xuất các loại sản phẩm có thương hiệu, thế mạnh. Tuy nhiên, kiến nghị TP quan tâm hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, an toàn và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Tại buổi kiểm tra tiến độ Chương trình 02-CTr/TU tại huyện Ba Vì mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng khẳng định, Ba Vì là huyện rộng lớn nằm trong nhóm các huyện khó khăn nhất của TP nên cần phải được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa. Để tạo điểm nhấn cho kinh tế, huyện Ba Vì cần lựa chọn một số địa điểm triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, từ đó nhân rộng ra toàn huyện. Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Sở NN&PTNT tích cực hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Ba Vì trong quá trình phát triển sản xuất.