Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì phát triển vùng lúa hàng hóa chất lượng cao

Bài, ảnh: Diệu Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 3 năm triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, huyện Ba Vì đã hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa tập trung với năng suất, chất lượng vượt trội.

Chương trình không chỉ giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất cũ mà còn tạo cơ hội cho nông dân được tiếp cận với hướng sản xuất hiện đại và làm giàu từ sản xuất lúa.

Quản lý chặt chẽ các bước sản xuất

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, Ba Vì hoàn toàn đủ khả năng cung cấp sản phẩm nông nghiệp đảm bảo cho TP Hà Nội. Những năm qua, được sự quan tâm của TP, Sở NN&PTNT, các ban ngành liên quan, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì, cùng với sự nỗ lực của các ngành chức năng, sản xuất nông nghiệp của huyện đã giành được một số kết quả quan trọng.

Vùng sản xuất lúa hàng hóa tại Ba Vì.

Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại huyện Ba Vì là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của HĐND TP và Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 26/5/2015 của UBND TP về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Chương trình này nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững, tăng năng suất bình quân, tăng giá trị hạt gạo và gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Ngay khi bắt đầu triển khai, chương trình đã nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền các xã cũng như người dân, nhất là những hộ trực tiếp sản xuất ra lúa gạo. Chương trình được thực hiện tại 6 xã có điều kiện đáp ứng sản xuất quy mô lớn gồm Tản Hồng, Minh Quang, Cổ Đô, Vật Lại, Vạn Thắng và Phong Vân. Các hộ tham gia chương trình được hỗ trợ 50% lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật, công phun, chi phí thuê máy phun, thùng chứa vỏ bao bì thuốc BVTV và 100% chi phí xử lý bao bì. Đồng thời, được tập huấn các kỹ thuật sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại. Các hộ tham gia chương trình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học trong các khâu chuẩn bị đất, xử lý cỏ dại, áp dụng chế độ bón phân hợp lý, quản lý nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên đồng ruộng.

Hiệu quả ban đầu

Những giống lúa được đưa vào chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại Ba Vì đều có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh đã qua thực nghiệm trên đồng đất Ba Vì như: TBR225, Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, Nàng Xuân, HDT8. Nhờ việc sử dụng phân bón và thời gian bón phân đúng quy trình kỹ thuật, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh hữu hiệu, nhiều bông, nhiều hạt chắc, hạn chế được lúa đổ, ngã, ít sâu bệnh. Kết quả thực tế sản xuất cho thấy, các giống lúa được áp dụng đạt năng suất bình quân 63 tạ/ha, tăng từ 1 – 2 tạ/ha so với các giống lúa truyền thống. Với giá bán 11 triệu đồng/tấn, mỗi hecta lúa chất lượng cao cho thu nhập trên 69 triệu đồng, lãi gấp 1,5 lần so với phương thức sản xuất cũ. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng đúng hướng dẫn sản xuất theo quy trình, đúng giống lúa, các hộ nông dân đã tiết kiệm được một lượng giống đáng kể, bông lúa dài, hạt mẩy. Qua đó cho thấy sản xuất lúa chất lượng ít tốn kém hơn nhờ giảm lượng giống, lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, công phun thuốc nhưng năng suất vẫn đạt cao hơn so với sản xuất giống lúa truyền thống.

Vụ Xuân 2017, Ba Vì tiếp tục chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với tổng diện tích 179,52ha, chủ yếu tập trung ở 2 xã Vật Lại và Phong Vân với các giống lúa TBR225, Bắc thơm, HDT8. Đến nay, nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất các giống lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến năng suất đạt 63 tạ/ha. Điều đáng mừng là những giống lúa trong chương trình đều có khả năng thích nghi với thời tiết, các chỉ tiêu phát triển theo yêu cầu.

Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu chia sẻ, Tản Hồng được tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao ngay từ vụ đầu tiên với tổng diện tích 79,8ha. Thực tế, chất lượng gạo ngon, giá thành cao, sản phẩm không lo thiếu đầu ra bởi đã có các đơn vị sẵn sàng thu mua. Trong thời gian tới, xã Tản Hồng sẽ tư vấn cho HTX nông nghiệp thuê lại ruộng đất của nông dân để tập trung phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Qua đó, đảm bảo tiền thuê đất và công lao động của nông dân vẫn bằng hoặc cao hơn so với việc nông dân trực tiếp sản xuất trên đất đó.

Hướng đến sản xuất hiện đại, an toàn, hiệu quả

Đối với các xã tại huyện Ba Vì, sau một thời gian triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đã phát huy được hiệu quả việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Riêng người nông dân đã được hưởng lợi từ các dịch vụ phục vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp và các giá trị tăng thêm cho lúa từ các hoạt động dịch vụ. Việc sản xuất được áp dụng theo quy trình sản xuất tiên tiến, từng bước được dịch vụ hóa tất cả các khâu trong sản xuất từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh và tăng lợi nhuận. Đây chính là nền tảng để Nhân dân các địa phương tích cực tham gia chương trình hình thành nên các mô hình khép kín từ sản xuất đến thu mua hoặc có liên kết của nhiều đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ.

Từ kết quả việc triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, huyện Ba Vì mong muốn sẽ tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc tăng cường liên kết bốn nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng. Qua đó, chủ động trong sản xuất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, giúp người dân thêm gắn bó với cây lúa.

Huyện Ba Vì có diện tích 29.000ha đất nông nghiệp với các sản phẩm chính là lúa, ngô, khoai, sắn, chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa và nuôi trồng thủy sản. Đối với chương trình phát triển vùng lúa chất lượng cao, huyện Ba Vì có đủ điều kiện đảm bảo mở rộng vùng sản xuất lúa theo kế hoạch của TP Hà Nội. Ba Vì cũng đã tập trung nguồn vốn cho công tác quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, bố trí vùng sản xuất lúa, chủ động nguồn nước tưới, thực hiện tốt việc tuyển chọn bộ giống lúa đúng cơ cấu trong từng vụ sản xuất và bảo đảm tính hiệu quả trong từng bộ giống. Đồng thời tiếp tục tổ chức tập huấn cho nông dân kịp thời, đầy đủ chương trình kỹ thuật, những quy trình cơ bản về sản xuất và thâm canh tăng năng suất cây lúa và đảm bảo giá trị hạt gạo để cung cấp cho thị trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần


Vụ đầu tiên Tản Hồng tham gia chương trình với tổng diện tích 79,8ha. Khi thu hoạch, giá thành bán ra gấp 1,5 lần. Đến nay, nhận thấy hiệu quả của chương trình, nhiều hộ dân đã đăng ký tham gia nâng diện tích cấy lúa theo chương trình lúa hàng hóa tại Tản Hồng đạt 100ha. Với những kết quả đã đạt được của chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, xã Tản Hồng sẽ xây dựng Đề án nhằm phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa, mang lại hiệu quả sử dụng đất cao nhất sau dồn điền đổi thửa.

Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu