Bắc Giang: nhiều đàn dê bị nhiễm bệnh và chết

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo phản ánh của người dân, trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang xảy ra hiện tượng dê bị chết với số lượng lên đến hàng trăm con, tập trung nhiều ở các xã Biên Sơn, Sa Lý và lẻ tẻ ở một số xã vùng cao khác.

Tại xã Biên Sơn, tổng đàn dê có khoảng 3.000 con, theo số liệu thống kê sơ bộ do đại diện lãnh đạo xã thông tin, thời gian gần đây có khoảng 400 con bị chết do nhiễm bệnh. Trong đó có gần 200 con dê được hỗ trợ từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia, còn lại là dê của hộ dân.

Hiện nay, UBND xã đã cử cán bộ xuống từng thôn và hộ dân để rà soát, thống kê chi tiết số lượng dê nhiễm bệnh và chết để tham mưu, đề xuất hướng điều trị, phòng ngừa.

Đàn dê của một hộ gia đình tại thôn Đức Thắng, xã Biên Sơn.
Đàn dê của một hộ gia đình tại thôn Đức Thắng, xã Biên Sơn.

Đơn cử như hộ ông Vi Văn Chỉnh, thôn Đức Thắng, xã Biên Sơn nuôi 50 con dê nhưng mới đây đã chết 42 con, trọng lượng trung bình mỗi con từ 15 đến 40 kg, ước thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Đại diện gia đình cho biết, số dê trên được chăn thả ngoài trời, tối mới lùa về chuồng; trước khi chết, dê có một số biểu hiện như kém ăn, gầy, sưng mặt, ho, sổ mũi, tiêu chảy…

Theo người dân địa phương, ngoài gia đình ông Chỉnh, tại thôn Đức Thắng còn nhiều hộ khác cũng có dê bị chết với số lượng từ vài con đến vài chục con/hộ.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không chăn thả dê trong những ngày mưa và không sử dụng thức ăn ướt, dính nước mưa, bùn đất cho dê.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không chăn thả dê trong những ngày mưa và không sử dụng thức ăn ướt, dính nước mưa, bùn đất cho dê.

Tại xã Sa Lý, dê chết rải rác từ đầu năm nhưng tập trung nhiều từ giữa tháng 7 đến nay. Theo thống kê, chỉ riêng thôn Rãng có khoảng 140 con dê bị chết do nhiễm bệnh, người dân đã tự tiêu hủy.

Hiện lãnh đạo thôn đã báo cáo UBND xã và đề xuất hỗ trợ thuốc thú y điều trị cho đàn dê còn lại. Một số thôn khác trên địa bàn xã như: Cây Lâm, Xé Mòng cũng có hiện tượng dê bị nhiễm bệnh rồi chết.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn, tổng đàn dê trên địa bàn huyện đạt hơn 13.900 con, tập trung tại các xã vùng cao như: Phong Minh, Sa Lý, Tân Sơn, Biên Sơn, Hộ Đáp, Giáp Sơn… Đến nay, địa phương chưa có số liệu tổng hợp cụ thể số dê bị nhiễm bệnh và chết. Hiện đơn vị đã cử cán bộ xuống cơ sở xác minh và nắm bắt tình hình để tham mưu các biện pháp phòng, chống và điều trị hiệu quả.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng dê nhiễm bệnh và chết, theo nhận định bước đầu của người dân và cán bộ chuyên môn, có thể vừa qua mưa nhiều, đa số đàn dê bị chết do chăn thả trong rừng, khi mưa không kịp lùa về nhà.

Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng của huyện Lục Ngạn đã xây dựng hướng dẫn chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn dê gửi các xã, thị trấn để phổ biến rộng rãi cho nhân dân. Trong đó có nêu đặc điểm nhận biết một số bệnh thường gặp như: tiêu chảy, viêm phổi, viêm ruột hoại tử, tụ huyết trùng, lở mồm long móng…

Về các biện pháp phòng ngừa bệnh, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần bảo đảm mật độ chăn nuôi hợp lý, chuồng trại khô ráo, sạch sẽ và thông thoáng. Khi mua dê về nên cách ly khoảng 2 tuần, nếu không có biểu hiện bệnh mới cho nhập chung với đàn. Theo dõi sức khỏe vật nuôi hằng ngày, đặc biệt vào buổi sớm lúc thả và buổi chiều khi về chuồng để kịp thời phát hiện, xử lý những con có biểu hiện bệnh tật. Định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh.

Luôn để đàn dê tại nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, không chăn thả trong những ngày mưa và không sử dụng thức ăn ướt, dính nước mưa, bùn đất. Vệ sinh sạch sẽ máng ăn, uống và cung cấp đủ dinh dưỡng, nước, nhất là trong thời gian nắng nóng.

Khi dê đã nhiễm bệnh, sử dụng kháng sinh sớm và đúng liều sẽ cho hiệu quả cao. Chú ý phối hợp điều trị bằng kháng sinh kết hợp với các loại thuốc trợ sức thông thường. Có chế độ chăm sóc tốt giúp dê phục hồi nhanh hơn. Tiến hành tiêm phòng các vaccine định kỳ cho dê như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Ngoài ra, người chăn nuôi không được bán chạy dê ốm, chết, thay vào đó cần báo với cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ, điều trị kịp thời.

UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ môi trường trong chăn nuôi, chủ động thực hiện và hưởng ứng các đợt tiêu độc khử trùng trên địa bàn, góp phần khống chế mầm bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nu