Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cán bộ Mặt trận cơ sở “Cánh tay nối dài” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân

Bài 1: Một ngày của những người “Ăn cơm nhà, vác tù và…”

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện khối lượng công việc của cán bộ Mặt trận ở cơ sở, nhất là Trưởng ban Công tác Mặt trận (CTMT) ngày càng nặng nề, đòi hỏi có sự quan tâm nhiều hơn để động viên họ cống hiến, thực sự là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.

Không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động, còn bắt tay vào làm cùng người dân - đó là đòi hỏi thực tế đặt ra với những cán bộ Mặt trận cơ sở ở Hà Nội hiện nay, để kịp thời tham mưu “đúng”, “trúng” những vấn đề người dân quan tâm.

Việc lớn, việc bé đều đến tay…

Cán bộ Ban công tác Mặt trận tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm tổng vệ sinh đường phố vì môi trường xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Linh Nguyễn
Cán bộ Ban công tác Mặt trận tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm tổng vệ sinh đường phố vì môi trường xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Linh Nguyễn

Quy mô lớn vào loại đứng đầu TP, khó nhất ở phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) là phải quản lý 2 môi trường sinh hoạt khi chung cư xen ngõ ngách. Thực hiện sáp nhập tổ dân phố, phường từ 119 còn 45 tổ, 23 địa bàn dân cư, trong đó có những tổ hơn 600 hộ, nhỏ nhất cũng 250 hộ; nhiều địa bàn gồm 2-3 tổ. Mỗi địa bàn đều 2 người đảm nhiệm 3 chức danh, chủ yếu Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban CTMT, nên khối lượng công việc của mỗi cán bộ tăng hơn trước hai, ba lần.

Về nghỉ hưu là tham gia công tác địa phương, 10 năm qua, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban CTMT địa bàn dân cư số 24 phường Vĩnh Tuy Nguyễn Thị Hoan chia sẻ, trong địa bàn truyền thống, cán bộ CTMT tuyên truyền vận động người dân tham gia các phong trào dễ hơn vì các hộ ổn định, song lại khó quản lý an ninh, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tại chung cư sạch sẽ, an ninh hơn, nhưng vai trò lãnh đạo của MTTQ phường phụ thuộc hoàn toàn Ban quản trị, phát động phong trào không được nhiều người hưởng ứng; triệu tập các cuộc họp, tối đa chỉ 50% số hộ tham dự... Địa bàn có cả ngõ ngách lẫn chung cư thì càng khó quản lý, tuyên truyền. Trước nhiều khó khăn đó, các cán bộ CTMT luôn kiên trì tìm giải pháp, tích cực tuyên truyền để đạt tối đa người dân tham gia các phong trào, cuộc vận động.

Cứ 7h30, bà Nguyễn Thị Hoan bắt đầu ngày làm việc bằng cách xuống địa bàn, vào nhà Tổ trưởng, Tổ phó, các chi hội trưởng nắm tình hình, nghe báo cáo triển khai công việc…, rồi đưa ra ý kiến chỉ đạo. Lĩnh hội nghị quyết của Đảng ủy phường, Bí thư về họp chi bộ, ra nghị quyết của địa bàn, rồi hằng ngày bám nắm việc thực hiện. Là Trưởng ban CTMT, bà lại đi kiểm tra, cùng Tổ trưởng tuyên truyền, có khi đến tận nhà dân. Những hôm nhiều việc, gần 22h bà mới về tới nhà.

Nhớ lại mấy năm trước có điểm chân rác lưu cữu trước cổng trường THCS Vĩnh Tuy (phố Dương Văn Bé), các Ban CTMT phân công hằng ngày 6-8h, 17-22h đều có 1 cán bộ trực (giờ hành chính có bảo vệ trường trực). Sau 2 tháng cán bộ kiên trì, chân rác lâu năm đã được xóa triệt để. Từ đó, trên con phố này, Ban CTMT địa bàn 24 của bà Hoan và một số địa bàn đã chủ trì vận động, cùng người dân làm nên đường hoa giấy dài hơn 500m, được TP trao giải Nhất về đảm bảo vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư.

Triển khai phong trào toàn dân tham gia PCCC, bà Hoan cùng tổ trưởng tổ dân phố, Tổ dân phòng gõ cửa từng nhà để kiểm soát lối thoát hiểm thứ hai, nhiều lần trực tiếp trèo lên nắm tình hình địa thế nhà dân. “Có hộ mở lối thoát hiểm nhưng bên trong có phòng trọ cho thuê, mình không lên kiểm tra, không thể biết đảm bảo PCCC hay không. Nếu không đạt yêu cầu, tôi sẽ cùng Cảnh sát khu vực nhắc nhở, hoặc báo cơ quan chức năng quyết định cho tồn tại hay không” - bà Hoan kể.

Vừa qua có 2 cháu bé, bố mẹ đều bị thần kinh, mẹ bỏ đi, bố không có việc làm, bà nội nuôi 2 cháu nhưng vừa mất. Người bố không đồng ý cho con đi học, bà Hoan đã ngày ngày vào nhà Tổ trưởng trao đổi tìm cách vận động, mời lãnh đạo UBND phường và Cảnh sát khu vực làm biện pháp mạnh với công dân này. Nhiều ngày liền sau đó, Trưởng ban CTMT cùng Tổ trưởng tổ dân phố trực tiếp dắt 2 cháu đi học. Bà đề xuất phường trích Quỹ “Vì người nghèo” đóng tiền học mẫu giáo cho cháu bé và trao đổi, được Ban giám hiệu trường Tiểu học Vĩnh Tuy cho cháu lớn miễn 100% học phí. Sau đó, cán bộ địa bàn liên hệ được người cô ruột nhận nuôi 2 cháu, vận động người bố nhập viện tâm thần; hằng tháng Ban CTMT xin tài trợ để hỗ trợ 2 cháu.

“Nếu Trưởng ban CTMT thực sự tâm huyết, làm hết mình, thì không khác gì Bí thư chi bộ. Ngay việc vận động ủng hộ quỹ của địa phương, không thể mong 100% hộ ủng hộ vì còn những hộ khó khăn, nhưng tôi vẫn đến từng nhà tuyên truyền, để mọi người biết đến những phong trào, cuộc vận động địa bàn mình đang triển khai” - bà Hoan chia sẻ.

Cùng làm với dân, chứ không chỉ ra nghị quyết

Cũng là lãnh đạo chỉ đạo, tuyên truyền vận động người dân, song hầu hết công việc thường ngày của Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban CTMT thôn Hội, xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) Đinh Văn Xuân lại gắn với các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, càng bộn bề hơn khi Gia Lâm sắp lên quận. “Bí thư chi bộ từ năm 2012, rồi kiêm Trưởng ban CTMT bận rộn hơn rất nhiều, khối lượng lớn công việc đòi hỏi tôi phải sắp xếp thời gian rất khoa học, sáng tạo trong tuyên truyền nắm bắt tâm tư người dân... Nếu không khéo léo, hiểu pháp luật, thì có khi việc bé thành to, không đáng có” - ông Xuân chia sẻ.

Cán bộ Ban công tác Mặt trận phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng chăm sóc đường hoa tại tuyến phố Dương Văn Bé. Ảnh: Linh Nguyễn
Cán bộ Ban công tác Mặt trận phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng chăm sóc đường hoa tại tuyến phố Dương Văn Bé. Ảnh: Linh Nguyễn

Ngoài lúc họp trên xã, mỗi ngày ông đều tranh thủ giờ tập thể dục để nắm tình hình đường ngõ xóm, đỗ xe, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự…; rồi xem công việc thời gian tới để xây dựng kế hoạch. Chẳng hạn, trước kỳ họp chi bộ, Bí thư tập hợp khối lượng công việc của chi bộ trong tháng, nghị quyết mình đề ra được chính quyền, đoàn thể triển khai đến đâu, nếu chưa làm được thì họp ban Quân Dân Chính (trưởng thôn, phó thôn, thanh tra thôn, trưởng các đoàn thể…) để lên kế hoạch khắc phục, không chỉ là ban hành, triển khai nghị quyết.

“Để vận động cho một loại quỹ, tôi họp ở xã về là triển khai ngay trong Ban CTMT. Nếu quy định sau 6 ngày có kết quả, chỉ trong 2-3 ngày đầu tôi đã phải đôn đốc kiểm tra xem các thành viên Ban làm đến đâu, rồi trực tiếp đi vận động người dân. Trưởng ban CTMT phải làm rất nhiều việc, có việc ủy quyền được, nhưng Ban CTMT hiện không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền vận động mà cán bộ phải “nói đi đôi với làm”, trực tiếp bắt tay vào, thì dân mới tin tưởng” - ông Xuân cho hay.

Năm nay, Ban CTMT thôn Hội phối hợp MTTQ xã vận động Nhân dân xây dựng được đoạn đường của nghĩa trang Nhân dân thôn - công trình thiết thực chào mừng Ngày truyền thống MTTQ. Thực hiện mô hình “thôn thông minh”, năm ngoái, Ban cũng đảm nhiệm nạo vét, tu bổ một đoạn mương tiêu của làng. Với kinh phí cần 100 triệu đồng, các thành viên Ban đã trực tiếp vận động xã hội hóa hoàn toàn trong Nhân dân được 104 triệu đồng. Mấy năm trước, thôn xây dựng cổng đình dự kiến hết 180 triệu đồng nhưng trong thôn chỉ có 80 triệu, các thành viên Ban CTMT đã tích cực tuyên truyền, người dân thấy được lợi ích, đã ủng hộ hơn 400 triệu đồng.

“Tham gia ở địa phương, tôi xác định làm vì trách nhiệm, yêu quê hương. Khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc khó, nhưng nếu cán bộ có năng lực, biết sắp xếp thì sẽ vượt qua được” - ông Xuân nói.

 

Thực hiện Đề án 21-ĐA/TU, Hà Nội sắp xếp 584 còn 579 đơn vị cấp xã; từ 7.968 còn 5.369 thôn, tổ dân phố; từ 19-22 người đảm nhiệm 18 chức danh không chuyên trách ở cấp xã và 7 người đảm nhiệm 7 chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố còn trung bình 7 người đảm nhiệm 10 chức danh ở cấp xã, 2-3 người đảm nhiệm 3 chức danh ở thôn, tổ dân phố.