Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe:

Bài 2: giữ vững quan điểm “Cấm tuyệt đối”

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi Quốc hội chính thức thông qua Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trong đó, cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, thay vì cấm ở một mức độ tương đối đã gây nhiều tranh cãi.

CSGT Hà Nội thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn TP.
CSGT Hà Nội thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn TP.

Vì mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông

Trước các luồng quan điểm khác nhau, Bộ Công an quyết tâm đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với lái xe, đồng thời cho rằng, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở nước ta hiện nay, thật sự rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe. Việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Trước đó, tại Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe được đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe quá nghiêm khắc và chưa phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán bộ phận người dân Việt Nam. Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện, bảo đảm thống nhất với Bộ luật Hình sự…

Hay việc sử dụng rượu bia ở nước ta được xem là một nét văn hóa truyền thống, là thói quen của một bộ phận người dân. Các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu bia, đã góp phần không nhỏ trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước; tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.

Việc quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm mức tiêu thụ rượu bia và có tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động…

Theo Bộ Công an, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn nghiêm khắc đang phát huy hiệu quả, làm giảm tai nạn giao thông. Do đó, Bộ Công an quyết tâm đề xuất cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe.

Việc uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Hiện các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm đối với hành vi này. Trong đó chia làm 2 nhóm, nhóm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn và nhóm quy định về ngưỡng nồng độ cồn được phép đối với người lái xe.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, văn hóa và giao thông hiện rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện vì điều kiện tham gia giao thông ở nước ta có nhiều đặc thù. Ở các nước phát triển chủ yếu là xe ô tô đi đúng theo làn, khoảng cách phù hợp với tốc độ. Còn ở Việt Nam, nơi các xe chỉ cách nhau khoảng một vài mét, tốc độ cho phép ít nhất 40km/h, giao thông trên đường đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo, phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra.

Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn mang nhiều ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giảm tổn thương, mất mát do tai nạn, giảm gánh nặng xã hội.

Kết quả đo nồng độ cồn của người vi phạm được thể hiện rõ trên máy đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT
Kết quả đo nồng độ cồn của người vi phạm được thể hiện rõ trên máy đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT

Vì tính mạng, sức khỏe con người là trên hết

Theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế cho thấy, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới, đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Đây là tỷ lệ rất đáng báo động.

Trên thực tế, việc uống rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi con người, nhất là khi lái xe. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia chứ không cấm người dân sử dụng rượu bia. Việc duy trì quy định này để có chế tài xử lý nghiêm khắc, nhằm hình thành dần văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT cho biết, rượu, bia có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của con người. Theo thống kê, hơn 43 nghìn phạm nhân đang chấp hành án phạt tù ở nước ta thì có đến hơn 22 nghìn phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia.

Trong đó, hơn 50% vụ án giết người, hiếp dâm, gây rối trật tự công cộng, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu, bia; hơn 30% các vụ bạo lực gia đình đều liên quan đến sử dụng rượu, bia.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cho rằng, từ các con số thống kê trên cho thấy, việc kiểm soát nồng độ cồn không chỉ có ý nghĩa đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà còn có ý nghĩa rất sâu sắc đối với xã hội. Văn hóa ẩm thực nước ta có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ cồn bằng 0 thì không uống, nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn gây nghiện, đã uống thì không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì.

Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng đến khả năng lái xe. Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua.

Ngoài ra, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó xã hội rất cần sự nghiêm khắc.

(Còn nữa)

Sau nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến vấn đề này, đã có rất nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Bộ Công an. Bởi việc ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vì “tính mạng, sức khỏe con người là trên hết”. Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.