Mặn mòi nước mắt nơi đảo tiền tiêu Sau hai ngày trên biển, nhiều kiều bào đã không cầm được nước mắt khi đặt chân lên đảo Đá Lớn B. Nhà báo Phương Hùng - kiều bào Mỹ, Tổng Biên tập mạng KBC hải ngoại dù nhiều lần đến Trường Sa vẫn không giấu được sự xúc động. Ông đã khóc nấc khi ôm chặt từng chiến sĩ trẻ xếp hàng ra đón đoàn. Với ông, mỗi lần ra đảo đều mang lại những xúc cảm rất đặc biệt. Vì thế, dù đã ngoài 70, bất chấp sóng to, gió lớn của chuyến đi biển dài ngày, ông vẫn cố gắng tham gia đoàn để đem những thông tin mới nhất, chân thực nhất về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đến với kiều bào tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
Cùng chung cảm nhận với nhà báo Phương Hùng, bà Bùi Thị Thu Minh - Phó Chủ tịch Hội người Hải Phòng tại CHLB Đức khi được mời lên phát biểu với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn A đã nghẹn ngào không nói nên lời. Trong lần đầu tiên đến với Trường Sa, được nghe giải thích hiểu rõ và tận mắt chứng kiến tình hình biển đảo quê hương, khiến bà Minh xúc động và tự hào. Bà cho biết, sau khi về Đức sẽ tuyên truyền để kiều bào hiểu rõ về chủ quyền biển đảo quê hương, đồng thời vận động sự ủng hộ nhiều hơn đối với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nói chung và ủng hộ quân dân Trường Sa nói riêng.
Không chỉ ông Phương Hùng hay bà Thu Minh mà rất nhiều kiều bào nghẹn ngào xúc động khi được chứng kiến thực tế tại các đảo. Sau chuyến đi đặc biệt này, họ đã hiểu đầy đủ hơn, đúng hơn về biển đảo quê hương, về sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và những giọt nước mắt mặn mòi, những lời chia sẻ, những món quà là một lời động viên chân thành đối với quân và dân trên các đảo. Qua chuyến đi này, những kết nối của kiều bào, những lời kêu gọi ủng hộ Trường Sa sẽ tăng nhiều thêm trong cộng đồng người Việt ở năm châu. Không thể cầm lòng
Trải nghiệm đặc biệt nhất với kiều bào trong chuyến đi này là lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma ngày 14/3/1988. Buổi lễ được tổ chức ngắn gọn, trang nghiêm đúng tại khu vực biển Cô Lin - Gạc Ma đã gây xúc động mạnh mẽ cho mỗi kiều bào. Trong buổi lễ trang nghiêm ấy, xen lẫn lời tưởng niệm của Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái - Phó Tham mưu trưởng Hải quân là tiếng lòng nức nở của nhiều kiều bào và các đại biểu tham dự. Sau phút tưởng niệm, mỗi người lặng lẽ thắp hương và thả một bông cúc vạn thọ xuống biển để tưởng nhớ hương hồn các liệt sĩ. Trong bóng chiều trên biển, vòng hoa, bàn thờ và những bông cúc vạn thọ trôi về phía Gạc Ma trong ánh mắt lưu luyến của tất cả mọi người tham dự, mang theo bao tiếc thương và khâm phục. Ông Lê Sáng - kiều bào tại Campuchia chia sẻ: Thật rất xúc động được tham dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ tại nơi linh thiêng đặc biệt này. Trước bàn thờ các anh giữa biển, những con dân nước Việt dù ở bất cứ nơi đâu đều ý thức được trách nhiệm của mình với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bà Vũ Thị Tin (kiều bào tại Thái Lan) nghẹn ngào: “Được tham dự Lễ tưởng niệm tại gần nơi các anh hy sinh, tôi tự hứa với lòng mình sẽ cùng với mọi người làm nhiều việc thiết thực hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh”.
Dù đã nhiều lần được dự các lễ tưởng niệm về sự kiện này ở nước ngoài, nhưng đây là lần đầu tiên nhà báo Thiều Văn Quang - Phó Chủ tịch Chi hội người Việt tại Trung tâm thương mại Sapa, Praha (Cộng hòa Séc) chứng kiến một lễ tưởng niệm đặc biệt như thế. “Tôi đã ở rất gần nơi mà các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Có thể nói, sự hy sinh của các anh, vòng tròn bất tử đảo Gạc Ma mãi mãi sẽ là biểu tượng không phai mờ trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, ở cả trong lẫn ngoài nước. Đứng trước bàn thờ các anh, trước biển xanh là mộ phần các anh, thấy tấm lòng của bà con hướng về các anh, tôi tin rằng các anh mãn nguyện. Vòng tròn bất tử Gạc Ma sẽ mãi mãi ở trong tim người Việt, cả ở trong lẫn ngoài nước, luôn thôi thúc chúng ta rằng mọi thế hệ người Việt, dù ở bất cứ nơi đâu cũng phải có trách nhiệm gìn giữ từng tấc đất linh thiêng của Tổ quốc” - ông Quang tâm sự.
“Dẫu biết vinh quang nào mà chẳng có mất mát hy sinh, hạnh phúc nào mà không phải đổi bằng máu xương, mồ hôi, nước mắt. Dẫu biết sự dâng hiến của các anh đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, tinh hoa của dân tộc. Trong không gian tĩnh lặng và thành kính này, mỗi chúng tôi không thể cầm lòng..., mong sao các anh linh chứng giám, tiếp thêm cho dân tộc ta - con dân Việt Nam ở trong nước và kiều bào Việt Nam ở ngoài nước - Quân đội ta và Quân chủng Hải quân sức mạnh; cho chúng tôi (dù ở trong nước hay ở ngoài nước) ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vươn tới những thành công mới” - lời tưởng niệm của Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái - Phó Tham mưu trưởng Hải quân tại buổi lễ như một lời hứa quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam, trong đó có các kiều bào khắp năm châu.
Các đại biểu và kiều bào thả hương, hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Bá Luân |
Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái - Phó Tham mưu trưởng Hải quân đọc lời tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa. |
Trong chuyến đi này, kiều bào các nước đã ủng hộ quân dân trên quần đảo Trường Sa 600 triệu đồng tiền mặt, cùng các hiện vật khác trị giá hơn 1 tỷ đồng và chiếc xuồng CQ trị giá 3,5 tỷ đồng. |
Lễ tưởng niệm gây xúc động mạnh cho mỗi kiều bào. |
Bà Bùi Thị Thu Minh - Phó Chủ tịch Hội người Hải Phòng tại CHLB Đức tặng quà cho các chiến sĩ đảo Đá Lớn A. |
(Còn nữa)