Bài 3: Đổi mới để trụ vững
Thay đổi tư duy
So với những khu vực mậu dịch tự do khác, TPP yêu cầu một cường độ tự do hóa mậu dịch mạnh mẽ hơn và mở rộng hơn trên nhiều lĩnh vực như mua bán hàng hóa dịch vụ, quy định về xuất xứ sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng lao động… Hiện nay, Mỹ vẫn đang tiếp tục các vòng đàm phán khó khăn với những thành viên khác của TPP. Trong đó, đáng chú ý là nội dung đàm phán liên quan đến các vấn đề như thuế quan với mục tiêu cắt giảm hầu hết các dòng thuế và thực hiện ngay hoặc với lộ trình rất ngắn. Về đầu tư, Hiệp định cũng tăng cường các quy định liên quan đến bảo vệ nguồn vốn đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, để thích ứng với các quy định của TPP đòi hỏi sự nhanh nhạy chuyển dịch của ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.
Mặc dù lộ trình đàm phán TPP đã đi vào giai đoạn nước rút và thách thức từ việc áp dụng những quy định mới của luật chơi đã nhìn thấy ở phía trước, song điều đáng lo ngại hiện nay đối với ngành chăn nuôi trong nước chính là “khoảng trống thông tin”. Ngoài một số ít DN, cơ sở chăn nuôi lớn nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu từ thị trường, đa số người chăn nuôi, nhất là ở phân khúc quy mô vừa và nhỏ - đối tượng vốn đã yếu thế và chịu tác động lớn nhất của TPP thì dường như chưa có kiến thức để chuẩn bị hành trang ứng phó.
Ông Nguyễn Trọng Long – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Chúng tôi chỉ nghe nói qua báo, đài về vấn đề hội nhập, nhưng chưa hiểu cụ thể ảnh hưởng của làn sóng này ra sao. Trong khi đó, chưa có cơ quan nào đứng ra thông tin hay hỗ trợ cho người chăn nuôi tiếp cận các giải pháp để thích ứng trong cơ chế mới”.
Một lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng thẳng thắn nhìn nhận, không chỉ riêng người chăn nuôi, ngay cả chính quyền địa phương ở nhiều nơi cũng chưa quan tâm đến vấn đề hội nhập. Hơn nữa, để chủ động đón “sóng” TPP, tháng 5/2014, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó bao gồm 4 nội dung quan trọng là tái cơ cấu sản xuất ngành chăn nuôi theo vùng, tái cơ cấu vật nuôi, tái cơ cấu phương thức chăn nuôi và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị ngành hàng. Tuy nhiên, thực tế không phải địa phương nào cũng triển khai tốt nhiệm vụ này. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, nhận thức về tái cơ cấu ngành cũng như cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực còn chậm thay đổi nên vẫn mang tư duy sản xuất cũ, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp và chăn nuôi.
Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay đến hết năm 2015 được Bộ NN&PTNT đề ra là tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011 – 2015. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực. Đồng thời, đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết tới khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các tác động của việc gia nhập TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trên cơ sở đó, thông tin đầy đủ và hỗ trợ DN, nông dân tìm kiếm cũng như mở rộng thị trường để có phương án chủ động trong bối cảnh hội nhập sâu.
Tái cơ cấu mạnh mẽ
Trong quá trình đàm phán, các nước cũng có linh hoạt với Việt Nam về lộ trình thực thi giảm thuế nhập khẩu với các mặt hàng nhạy cảm nhất như thịt lợn, gà, bò - các mặt hàng chúng ta đang duy trì hạn ngạch thuế quan. Dẫu vậy, để trụ vững được trong bối cảnh hội nhập sâu, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đẩy mạnh tái cơ cấu một cách sâu sắc và toàn diện.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, chúng ta nên tập trung phát triển theo cơ cấu đàn vật nuôi chủ yếu là lợn, gia cầm và bò để giảm lượng thực phẩm nhập khẩu. Trong đó, với chăn nuôi bò cần phát triển song song cả bò thịt và bò sữa để khai thác hết thế mạnh hiện có, bởi nước ta có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi bò, nhất là nguồn thức ăn dồi dào.
Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng khi gia nhập TPP thì một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là làm tốt khâu giống vật nuôi. Nếu có nguồn giống tốt sẽ góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời theo tính toán, còn góp phần làm giảm khoảng 9% giá thành sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam. Bởi vậy, theo các chuyên gia, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ thụ tinh nhân tạo, nhất là bò thịt để giảm lượng thịt bò nhập khẩu. Song song với đó, cần có chính sách hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Đây là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, trong đó, DN ký hợp đồng kinh tế với người nông dân. Sản phẩm chăn nuôi khi xuất chuồng được đưa đến nhà máy giết mổ, kết nối với nơi chế biến rồi đưa ra thị trường bán lẻ hoặc siêu thị thành một chuỗi khép kín từ trang trại tới bàn ăn.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phát cũng cho rằng, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi cần phải chú trọng đến các phương pháp và cách tiếp cận mới trong quá trình triển khai. Cụ thể, hướng đến tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm ngành chăn nuôi thông qua nâng cao chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ tập trung và tiêu thụ gắn với thị trường. Theo ông Phát, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tập trung cao nhất vào nâng cao chất lượng con giống, kể cả với sản xuất nông hộ lẫn sản xuất trang trại. Đồng thời, tạo ra hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật để tăng cường quản lý các loại giống đang lưu hành trên địa bàn cả nước. Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, TP về hội nhập kinh tế quốc tế ngành NN&PTNT mới đây, ông Phát nhấn mạnh, Bộ sẽ giải quyết nhanh nhất các khó khăn về con giống, trong đó tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích nhiều DN cùng nhập khẩu giống tốt từ khắp nơi trên thế giới để nâng cao năng suất, chất lượng gia súc, gia cầm tại Việt Nam.
Về thị trường, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo theo dõi sát diễn biến cung, cầu thị trường trong nước và thế giới, tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến tất cả các ngành, từng phân ngành. Đồng thời, kiểm soát dung lượng thị trường, quản lý điều tiết sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng được mùa mất giá...
Chăn nuôi theo quy mô lớn tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Ảnh: Quang Thiện
|
Với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, sân chơi TPP có sự hiện diện của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng nhiều nước phát triển năng động của châu Á, Bắc và Nam Mỹ. GDP tổng hợp của khu vực đạt trên 28.000 tỷ USD, chiếm 40% GDP toàn thế giới và khối lượng giao dịch thương mại tương đương 1/3 tổng giá trị mậu dịch toàn cầu. |
(còn nữa)