Chấn hưng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Bài 3: Nhận thức, đầu tư chưa xứng tầm

Lại Tấn - Lý Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, lĩnh vực văn hóa được chú trọng ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và ghi nhận dấu ấn “chưa bao giờ văn hóa đạt được nhiều thành tựu như hiện nay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/11/2021. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/11/2021. Ảnh: TTXVN

Mặc dù vậy, để văn hóa thực sự là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi thì vẫn còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức cần được nhận diện và có giải pháp, hành động quyết liệt, kịp thời.

Nhiều địa phương vẫn coi văn hóa là “cờ, đèn, kèn, trống”

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí...”. Bên cạnh đó, môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn...

 

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, quản lý, chúng ta chưa nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về đường lối văn hóa của Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa chưa cao. Chúng ta cần phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.
Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng trăn trở, nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ... Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Ngoài ra, chúng ta chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc…

Cũng theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng...; có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan vẫn là chính”.

Thực tế, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tăng cường đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa đã được nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn những khoảng cách, độ chênh nhất định. Theo đó, trừ một số TP lớn và địa phương có truyền thống quan tâm đến văn hóa, còn lại nhận thức và hành động của các địa phương đối với phát triển văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng cũng như vai trò của văn hóa trong phát triển chung. Như nhiều đại biểu Quốc hội từng chia sẻ, đi thực tế tại không ít địa phương vẫn coi văn hóa là “cờ, đèn, kèn, trống”. Do đó, đầu tư cho văn hóa cả ở con người, tài chính và cơ sở vật chất đều thấp.

Theo TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch, khảo sát và dựa vào niên giám thống kê ở một số tỉnh từ năm 2015 - 2020 đều nhận thấy tình trạng chung là đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn rất thấp. Đơn cử, Vĩnh Phúc là một tỉnh có nguồn thu lớn, nơi có nhiều di tích di sản văn hóa cấp quốc gia nhưng trong giai đoạn từ 2015 - 2020, kinh phí chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin là rất thấp. Năm cao nhất là 2015, mức chi đạt 0,95% tổng chi ngân sách địa phương. Nhưng mức chi này trong 5 năm lại càng giảm sút theo kiểu “phú quý giật lùi”.

Ở khu vực miền núi phía Bắc, Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, nguồn thu rất thấp nhưng tỷ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin lại cao gấp đôi so với Hà Nội hay Vĩnh Phúc. Cụ thể, năm 2018, Lai Châu chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin, phát thanh truyền hình, thông tấn, thể thao là 1,18% tổng chi ngân sách của tỉnh, thì đến năm 2020, tỷ lệ này đã tăng lên mức 1,6%. Đây là tỉnh có tỷ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin cao nhất toàn quốc, nhưng cũng chưa đạt mức 1,8% tổng chi ngân sách địa phương như Kết luận 30 – KL/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IX đã đề ra.

Mức chi thấp khiến cho hoạt động của lĩnh vực văn hóa thông tin chậm phát triển. Kéo theo đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, các giá trị nhân văn bị bào mòn, văn hóa không trở thành động lực cho phát triển. Mức đầu tư thấp, nhiều địa phương không phát huy được lợi thế để xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa giúp tăng nhanh nguồn thu cho ngân sách. Vì thế, nhiều địa phương luôn rơi vào vòng luẩn quẩn trong đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa.

Mặt khác, việc đầu tư cho thiết chế văn hóa nhiều khi bị coi là lãng phí. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, từ việc chúng ta chưa đầu tư xứng tầm khiến các thiết chế không thể hoạt động hiệu quả được. Nhưng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên nhân quan trọng hơn vẫn là nhận thức và tư duy quản lý khiến cho các thiết chế này trở nên kém hiệu quả.

Chẳng hạn, nhiều nơi đang quản lý theo kiểu 8 giờ sáng mở cửa, 5 giờ chiều đóng cửa, mà không quan tâm đến chuyện làm thế nào để khai thác hiệu quả, như xây dựng thương hiệu, phát triển khán giả hoặc sử dụng kỹ năng kinh doanh để phát triển các thiết chế này. Cách quản lý như vậy khiến cho các thiết chế hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến nhiều khi xã hội có cái nhìn hơi bi quan đối với thiết chế văn hóa.

Chương trình mang đậm sắc màu văn hóa truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại trong tour Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Chương trình mang đậm sắc màu văn hóa truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại trong tour Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nguồn nhân lực làm văn hóa thiếu và yếu

Văn kiện Ðại hội XIII đã thẳng thắn, khách quan chỉ ra “chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới”, từ đó nhấn mạnh một nhiệm vụ lớn và khó là đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ… để đạt mục tiêu trong 5 - 10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Tuy nhiên, đi sâu vào thực tiễn mới thấy, cho tới nay, nguồn nhân lực ngành văn hóa thiếu và yếu là vấn đề khiến hầu hết các địa phương trên cả nước đau đầu. Đa số phải kiêm nhiệm nhiều công việc, hiểu biết về văn hóa hời hợt, kinh nghiệm thiếu, đam mê không có. Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội thẩm tra giữa kỳ kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 – 2025 đã chỉ ra tình trạng một số cán bộ văn hóa xã phải phụ trách tới 17 lĩnh vực!

 

Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn truyền thống đang khủng hoảng về nguồn lực lao động chuyên nghiệp. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách kịp thời để khuyến khích, thu hút lực lượng trẻ tham gia học tập, biểu diễn ở các loại hình này. Chế độ đãi ngộ cũng là một phần quan trọng để thu hút người có tài năng nghệ thuật theo nghề, tâm huyết với nghề. Bởi đây là nghề đặc thù, là đào tạo tài năng; người dạy cũng hết sức đặc thù, phải là những diễn viên giỏi nghề thì mới có thể cho ra lò các lớp diễn viên giỏi.
NSND Trịnh Thuý Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam

Theo thống kê, nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các đơn vị sự nghiệp và DN hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nói chung là hơn 72.000 người; nguồn nhân lực gián tiếp, có hoạt động trong các ngành có liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao là khoảng 150.000 người. “Đó là một con số không phải là nhỏ, tuy nhiên, nếu tính trên thực tế, nguồn nhân lực trong ngành văn hóa vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa đất nước trong thời kỳ mới cả về số lượng lẫn chất lượng” - TS Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định.

Nếu tính về số lượng, cán bộ văn hóa hiện nay vẫn đang thiếu, nhất là trong những ngành nghệ thuật. Có thể kể đến sự thiếu hụt lực lượng giáo viên, giảng viên đứng lớp giảng dạy tại các trường đào tạo về văn hóa hoặc lực lượng biểu diễn nghệ thuật tại địa phương. Sâu xa hơn, thực trạng thiếu giáo viên đến từ thực trạng... thiếu sinh viên của các ngành đào tạo nhân sự văn hóa. Hiện nay, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 1 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ và khoảng 80 cơ sở công lập và tư thục tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhưng rất nhiều đơn vị đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu hàng năm, nhiều trường phải cho giáo viên nghỉ bớt vì quá ít sinh viên, hoặc không có sinh viên theo học.

Tình trạng khan hiếm nhân lực còn trầm trọng hơn trong lĩnh vực nghệ thuật cổ truyền như cải lương, ca cổ, tuồng, chèo..., nhất là nhân lực trẻ tuổi. Theo NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, bồi dưỡng, đào tạo nghệ sĩ sân khấu là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà nền nghệ thuật sân khấu nước nhà đang đứng trước thách thức lớn. Về lĩnh vực giảng dạy sân khấu, hiện đội ngũ thầy giỏi mỏng, thiếu nghiêm trọng. "Số cán bộ, diễn viên có tuổi đời dưới 30 chiếm tỷ lệ thấp, về lâu dài sẽ không đủ lớp kế cận chuyên môn. Trong khi đó, các nghệ sĩ, diễn viên vẫn được tính thời gian công tác và nghỉ hưu theo quy định chung của Bộ Nội vụ dẫn tới tình trạng nhiều người không còn khả năng biểu diễn nhưng vẫn ở trong biên chế; đơn vị phải ký hợp đồng thời vụ với nghệ sĩ trẻ bên ngoài..." - NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.

Nguy cơ phai nhạt bản sắc

Hệ quả của việc văn hóa bị xem nhẹ là trong khi đạt nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đời sống vật chất vượt trội so với trước đây, nhưng có lúc, có nơi đạo đức, văn hóa xã hội lại bị xuống cấp nghiêm trọng. Tiêu biểu là việc không ít cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, phai nhạt lý tưởng, coi thường kỷ luật, tham ô, lãng phí…

Như trong dịch bệnh, khi cả nước gồng mình chống dịch, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” thì vẫn còn một số người ích kỷ, tham lam, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Vụ án "chuyến bay giải cứu" hay sai phạm ở CDC nhiều tỉnh, thành là một ví dụ điển hình, từng gây bức xúc trong dư luận, như một nốt trầm trong bức xanh tươi sáng của văn hóa Việt.

Đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, có thời điểm trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng phải gióng lên hồi chuông báo động về thái độ sùng ngoại biểu hiện song song với việc chê bai, bỉ bôi, hạ thấp văn hóa truyền thống. Tác động của việc “xâm lăng văn hóa”, phai nhạt, đánh mất bản sắc văn hóa, xói mòn những giá trị truyền thống của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Cách đây vài năm, câu chuyện về những con sử tử đá được đặt trước nhiều đền, chùa, cơ quan, công sở thậm chí nhà riêng của nhiều người như tượng trưng cho sự thịnh vượng, uy quyền... thế nhưng những tác phẩm đó không thuần Việt, ngoại lai. Điều này khiến nhiều người vỡ lẽ, hóa ra bấy lâu nay, vì thiếu hiểu biết, mê tín và vì sự tùy tiện, linh vật ngoại lai với hình dáng hung tợn kia đã được cho là một biểu tượng hữu dụng trong phong thủy, của sự may mắn.

Không chỉ vậy, xu hướng tách văn học nghệ thuật khỏi xã hội, xa rời cuộc sống, xa rời chính trị là biểu hiện không còn hiếm gặp. Trong đó nhiều bộ phim nước ngoài được phát hành tại Việt Nam cố tình cài cắm hình ảnh bản đồ chứa “đường lưỡi bò”. Đồng thời, xu hướng tự cởi trói trong lựa chọn khuynh hướng sáng tác ở phương Tây sau khi được tiếp nhận vào Việt Nam, một mặt cho phép nhiều năng khiếu nghệ thuật thỏa sức sáng tạo nhưng mặt khác lại hạ thấp chất lượng nghệ thuật, hình thành thị hiếu, một lối sống, một hệ tư tưởng sùng ngoại, chạy theo những giá trị hào nhoáng.

Điều này dẫn tới hệ lụy trong lối sống nhiều bạn trẻ ngày nay xuất hiện những vấn đề tiêu cực trong quá trình tiếp thu văn hóa nước ngoài. Đối với hôn nhân, giới trẻ đang dậy lên những trào lưu như “sống thử”, “sống gấp”... Bên cạnh đó, thói quen tiêu xài hoang phí và theo đuổi những lợi ích vật chất, lối sống thực dụng là nét không đặc trưng cho con người Việt Nam cần, kiệm. Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ lười học tập, lười lao động lại muốn mau chóng nổi tiếng nên tự tạo scandal cho mình. Tiêu chuẩn về vẻ đẹp của người phụ nữ phương Đông truyền thống là “công, dung, ngôn, hạnh” bị biến dạng, nhường chỗ cho sự táo bạo, phô trương, thậm chí thác loạn... Có ý kiến cho rằng, một số thanh, thiếu niên không nhận thức đầy đủ về văn hóa thẩm mỹ của dân tộc, dẫn đến thị hiếu sai lệch, lệch chuẩn về giá trị đạo đức. Tiêu biểu là sự xuất hiện của Khá “bảnh”, Dương Minh Tuyền, Huấn “hoa hồng”… được giới trẻ tung hô, thần tượng như “idol mạng”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng tội phạm, tệ nạn, tiêu cực, mâu thuẫn, xung đột xã hội.

Một thực trạng nữa, đó là sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình hội nhập, mở cửa giao lưu với văn hóa nước ngoài. Nét đẹp ru con bằng những câu ca dao đã thưa vắng dần. Ca dao, tục ngữ... vốn là kho tàng quý báu của quần chúng Nhân dân, là những bài học về đối nhân xử thế, bài học làm người nuôi dưỡng tâm hồn từ thơ bé, hướng con người tới chân - thiện - mỹ đã và đang mai một dần trong đời sống tinh thần…

Có thể thấy, thực trạng phát triển văn hóa dù đã có thành tựu nhất định trong những năm vừa qua nhưng vẫn nhiều lo ngại. Những hiện tượng như xuống cấp đạo đức xã hội, bạo lực học đường, mê tín dị đoan, sùng ngoại thái quá dẫn đến lãng quên văn hóa dân tộc... là thách thức an ninh văn hóa, đều bắt nguồn từ những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, cần phải chấn chỉnh, ngăn chặn. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
(Còn nữa)

 

Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL), số diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chiếm tỷ lệ rất thấp, từ 25 - 30 tuổi cũng chưa đến 50%. Nhiều năm qua, một số nhà hát chuyên biểu diễn nghệ thuật cổ truyền như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam... thiếu chỉ tiêu vì không tuyển được người, số lượng đào, kép trẻ chiếm rất ít ỏi không đủ đáp ứng nhu cầu biểu diễn.