Xe cũng phải đủ người Nếu không có taxi và xe ôm, du khách khó thể đi đâu được ở Jakarta (Indonesia) - Thủ đô rộng gấp đôi nội thành Hà Nội nhưng có số dân nhiều gấp ba. Tạm biệt giấc mơ vi vu trên đường phố Jakarta bằng xe gắn máy đi thuê, đơn giản bởi người Indonesia đi ngược đường với Việt Nam, taxi là phương tiện đầu tiên tôi sử dụng để đến những nơi mình cần.
Cũng nhiều người Jakarta tốt bụng và anh chị em ở đại sứ quán dặn dò về sự nhiêu khê khi sử dụng phương tiện taxi ở Thủ đô nước bạn nhưng tôi coi thường. Tôi kể cho họ nghe chuyện bên nước mình: Vài năm trước (tháng 11/2011), hai ông khách nước ngoài tham dự hội nghị Interpol tại Hà Nội bị lái xe taxi bắt chẹt. Mà Interpol là cảnh sát toàn cầu chứ không phải xoàng. Nhưng sau khi đi 6km từ hội nghị về, hai con người Singapore oai phong này bị anh lái taxi Hà Nội bắt “chẹt" với giá 200 đô la Mỹ cùng 80 đô Singapore. Ngay sau đó, Công an TP Hà Nội đã tìm ra tài xế cả gan làm chuyện động trời này và đã có mức phạt đích đáng. Các công dân nước bạn nghe câu chuyện ấy mà kinh ngạc. Vậy nên mọi sự phức tạp của taxi ở Jakarta có thấm vào đâu?”. Đón tôi là bác lái taxi đã có tuổi, tên Ramsi, nom đứng đắn lắm. Xe chạy một lát, khi tôi đưa địa chỉ, bác Ramsi nhớn nhác nhìn sang vệ đường, hình như ngắm gái. Mà đúng thế thật, ngay đầu con đường sắp rẽ vào có dăm chị đứng cạnh đường giơ tay vẫy vẫy. Chết thật! Bác Ramsi chẳng nói chẳng rằng, tấp vào ngoắc một chị lên xe mặc cho tôi đau khổ gào lên “No girl, no sex”. Chị vào xe ngồi huỵch xuống, làm tôi khiếp vía, nói không ngoa, một mình chị ta ngồi kín cả ghế sau. Lo sợ, tôi liền bấm máy gọi ngay cho cậu em du học sinh bên này cầu cứu. Nghe xong câu chuyện, cậu ta bảo: Không như anh nghĩ đâu, cái đường anh chuẩn bị đi người ta cấm xe ô tô chở dưới 3 người, những chị “đứng đường” ấy ngồi xe thuê để cánh lái xe tránh bị phạt thôi. Hết hồn! Khi hết chuyến đi, dù xa hay gần, bác tài “boa” cho chị gái đi cùng xe 5.000 rupi (khoảng 15.000 VND). Phí này đương nhiên khách hàng phải trả. Tắc đường trong trật tự Jakarta có những tuyến đường huyết mạch đã hạn chế số xe lưu thông bằng cách ra cái luật tương đối lạ kì. Tuy hơi kì, nhưng vô cùng có lý, số người lưu thông trên đường sẽ được tăng lên mà lượng xe không tăng. Không như Hà Nội, có những người một mình lái xe ô tô chen vào đường đông đặc để đi ăn… phở sáng, rồi lát sau lại chen vào để về. Công nhận các lái xe taxi của Jakarta “mát tính” thật! Tắc đường mà họ vẫn cười như không, thủng thẳng, trật tự đi sau xe khác, không có cảnh lao bừa, phóng ẩu như mấy tay lái taxi, xe ôm tại Hà Nội. Vì có đội bóng của Indonesia vừa đi tập về, dân tình xem đông quá nên đám tắc đường dễ cũng phải đến nửa tiếng mới tan. Cũng may đến nơi cần vẫn kịp giờ, xuống xe, bác Ramsi nhã nhặn đưa tôi cái hóa đơn, chuyện nhỏ, 6km mất 25.000 rupi (hơn 60.000 VND). Tôi cảm ơn rồi dợm bước đi thì bác tài ngoắt tay lại, đưa cho cái hóa đơn thứ hai, những 50.000 rupi, nhìn hoa cả mắt. Hóa ra, đó là hóa đơn tính giờ, để tránh thiệt hại vì tốn xăng, thời gian do tắc đường, taxi Jakarta vừa tính tiền cước quãng đường, vừa tính tiền cước thời gian, thảo nào những lúc nước sôi lửa bỏng, các bác tài vẫn “mát tính”, không lao bừa, phóng ẩu như thế. Có lẽ vì luật quy định phải đủ số người trên xe mới được lưu hành và phân tách tiền quãng đường với tiền chờ tắc đường cho các phương tiện giao thông dịch vụ nên Jakarta đã bình ổn phần nào được tình trạng giao thông “khủng khiếp” của mình. Có lẽ cách làm này của nước bạn không khó khi áp dụng tại Hà Nội, nhất là khi có một sự so sánh rất đáng chú ý: Jakarta cũng tắc đường như Hà Nội nhưng rất trật tự, chưa bao giờ tôi phải chứng kiến sự hỗn loạn khiến việc tắc đường càng thêm tắc như tại TP của chúng ta.
Bác lái taxi tên Ramsi sau “chuyến đi bão táp”. |