Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học lớn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Vụ việc cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

Đồng thời sau khi xác định bị can này bỏ trốn đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế, đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Rất nhiều thông tin xung quanh những vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) và các đối tượng liên quan vừa bị bắt tạm giam được phương tiện thông tin truyền thông liên tục phát đi. Từ đây, những tín hiệu tích cực trong quyết liệt đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng được người dân hết sức kỳ vọng khi sự việc được làm rõ.
Có thể nói, vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã khiến cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở phải “bận lòng”. Đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần trực tiếp chỉ đạo làm rõ vụ việc. Từ chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra T.Ư phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra, kết luận những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh và coi đây là “việc cần làm ngay”, cho tới “xử lý tới cùng”, “công tâm, trong sáng, khách quan, không chịu bất kỳ một sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Nhiều ý kiến cho rằng, một vụ việc cụ thể như vụ Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo là một việc cần thiết. Điều đó cho thấy rõ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư; thấy rõ việc xử lý vi phạm là không có vùng cấm và không loại trừ cá nhân nào.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri ngay sau Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV, khi đó vụ việc Trịnh Xuân Thanh đang là “điểm nóng” dư luận, trước mong muốn của không ít cử tri là đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất thẳng thắn cho rằng: Đây là lĩnh vực rất là quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn phức tạp. Liên quan đến lợi ích, danh dự của mỗi con người, mỗi đơn vị nên không dễ tí nào. Lợi ích chằng chịt nên rất là khó khăn. Nhưng Đảng và Nhà nước quyết tâm làm để trong sạch bộ máy, nếu không thì gay go. Cùng với một số vụ án lớn đã được đưa ra xét xử, rồi cả vụ Trịnh Xuân Thanh, “từng bước, chắc chắn, hiệu quả” là những từ được Tổng Bí thư nhắc đến. Đồng thời cho thấy, cái mừng, cái mới trong cuộc đấu tranh lần này là sau khi có chỉ đạo thì cả bộ máy, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Với khí thế này, chắc chắn sẽ làm tốt hơn nữa.
Trở lại với cuộc chiến chống tham nhũng gay go, mà “nóng” nhất là vụ việc Trịnh Xuân Thanh này, có ý kiến cho rằng, nhìn ở một khía cạnh nào đó, đây cũng là một tín hiệu tốt, có thể sẽ có tác dụng khiến những kẻ đang có ý định tham nhũng phải chùn bước. Bởi đã có dấu hiệu tham nhũng nghĩa là có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì từ lãnh đạo cho đến người dân bình thường đều phải bình đẳng với nhau và phải xử lý theo pháp luật. Chính vì thế, nhiều người kỳ vọng, từ quyết tâm của người đứng đầu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm đến cùng, bất kỳ ai có dấu hiệu tham nhũng đều cần phải thanh tra, xử lý theo pháp luật, không chỉ cá nhân đó mà cả những cá nhân, tổ chức liên quan thì mới xử lý tận gốc vụ việc.
Nhưng cũng từ chính câu chuyện này hiện nay cũng đang đặt ra một yêu cầu trong lựa chọn cán bộ. Những câu hỏi liên quan đến việc bổ nhiệm có nhuốm màu lợi ích nhóm hay không vẫn cứ làm dư luận băn khoăn. Bởi có lẽ, chính sự dai dẳng, chằng chịt của lợi ích nhóm đã góp phần dẫn đến những cú rút ruột ngân sách lên đến vài ngàn tỷ đồng ấy. Như một ý kiến đã đưa ra: Cần phải làm rõ, vì sao một người có vấn đề như Trịnh Xuân Thanh lại “đi” qua tất cả các khâu trong công tác cán bộ, trái với quy định của T.Ư. Để một cán bộ có thiếu sót được di chuyển đến những vị trí khác và tiếp tục vi phạm là làm hại cán bộ. Nếu những cán bộ như thế ở những vị trí cao hơn thì còn làm hại cho đất nước. Bài học lớn ấy rất cần được suy ngẫm.