Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học nhân cách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều người cho rằng, cách giáo dục con cái trong gia đình hiện nay làm cho trẻ chỉ biết hưởng thụ, đòi hỏi "quyền" của bản thân mà không biết "bổn phận" của mình. Một phụ huynh kể, một hôm, con anh về nhà băn khoăn hỏi bố: "Cô giáo cho đề bài tập làm văn "Hãy thể hiện lòng biết ơn của em đối với ông bà hoặc cha mẹ em" mà con không biết phải viết như thế nào".

 Điều đó làm anh rất ngạc nhiên và chợt nhớ ra rằng, con mình chưa bao giờ bày tỏ lòng biết ơn với những gì mọi người dành cho.

Đó là một thực tế, ngay cả từ "cảm ơn" nếu không được rèn luyện, chỉ bảo, cũng hiếm thấy trẻ mở lời. Do đó không chỉ trên lý thuyết hay dừng lại ở việc nhắc nhở, mà phải hướng dẫn, khuyến khích trẻ thực hiện bằng hành động cụ thể để thể hiện lòng biết ơn. Nếu không có phương pháp đúng, trẻ sẽ nói "cảm ơn" như một cái máy mà không nhận thức được lời nói phải hàm chứa lòng biết ơn thực sự xuất phát từ tấm lòng. Nên thắt chặt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, làm gương cho trẻ chính từ cách sống của cha mẹ, không nên phó thác trách nhiệm giáo dục trẻ cho nhà trường. Mặt khác, giáo dục lòng biết ơn cho trẻ phải theo kịp sự phát triển của thời đại, dạy trẻ biết tầm quan trọng của môi trường sống để trẻ biết bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên.

Bài học nhân cách - Ảnh 1

Một số bà mẹ cho biết, họ vẫn thường dạy con biết nói lời "cảm ơn" khi người khác giúp đỡ hay cho quà mình và nói "xin lỗi" khi mình có lỗi. Cụ thể hơn là hướng dẫn, khuyến khích trẻ tự tay làm những tấm thiệp, món quà nhỏ để tặng người thân, thầy cô, bạn bè vào các dịp lễ, sinh nhật. Không chỉ dạy trẻ mà người lớn cũng phải học và thể hiện lòng biết ơn bằng những hành động cụ thể ngay chính trong mối quan hệ gia đình để làm gương cho trẻ. Đồng thời, nên khuyến khích trẻ bằng những lời khen ngợi, tặng thưởng cho trẻ mỗi khi trẻ thể hiện lòng biết ơn. Lòng biết ơn không chỉ giúp bé xây dựng kỹ năng giao tiếp tốt mà còn giúp bé biết cảm thông với người xung quanh.