KTĐT - Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2009 nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,32%.
Năm 2009, vượt qua khó khăn, kinh tế Việt Nam đã đạt được thành công lớn, tăng trưởng tương đối khá, mức lạm phát không cao. Đây là thành công lớn trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và cũng là nền tảng phát triển cho kinh tế Việt Nam năm 2010.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã có cuộc trả lời vấn đề này.
Kinh tế Việt Nam năm 2009 đạt được thành công lớn. Theo ông, bài học rút ra được trong điều hành chính sách kinh tế năm qua là gì?
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2009 nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,32%; lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2009 so với tháng 12/2008 tăng 6,52%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,4% năm 2008 xuống 12,3% năm 2009.
Từ thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 có thể rút ra 5 bài học quý báu.
Bài học thứ nhất là chủ động phân tích, dự báo tình hình; kịp thời đề ra chủ trương, chính sách và giải pháp phù hợp đồng thời chỉ đạo điều hành nhạy bén, linh hoạt, tập trung và quyết liệt.
Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ và các cấp, các ngành cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với tình hình mới và sớm đưa vào triển khai thực hiện.
Bài học thứ hai chính là lựa chọn tốc độ tăng trưởng kinh tế phải gắn với giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.
Tập trung ứng phó với suy giảm kinh tế phải đặc biệt quan tâm giữ vững mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội là bài học thứ ba rút ra được từ điều hành chính sách kinh tế năm vừa qua.
Bài học thứ tư là tập trung phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài vừa là định hướng, vừa là giải pháp có tính lâu dài đã được triển khai thực hiện trong suốt hơn 20 năm đổi mới vừa qua.
Bài học thành công của năm 2009 chính là ở chỗ cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng như toàn thể nhân dân đã nhận thức và triển khai thực hiện có hiệu quả định hướng, chính sách kinh tế này.
Cuối cùng, việc phát huy mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để các tầng lớp dân cư nhận thức và cùng chia sẻ khó khăn, tạo động lực tinh thần và sự thống nhất, nhất trí cao trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội cũng là bài học quý báu rút ra được trong năm qua.
Năm 2010 kinh tế Việt Nam được dự báo với nhiều yếu tố khả quan hơn năm 2009 với mục tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,5%, vậy động lực cho mức tăng trưởng này đến từ khu vực kinh tế nào thưa ông?
Những thắng lợi tương đối toàn diện đạt được trong năm 2009 đã tạo thêm tiềm lực vật chất, tinh thần và kinh nghiệm để bước vào thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 được kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XII thông qua với 18 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nuớc (GDP) tăng 6,5%.
Đây là mục tiêu cao, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của toàn xã hội. Tại thời điểm hiện nay rất khó xác định động lực tăng trưởng kinh tế năm 2010 của Việt Nam sẽ đến từ khu vực kinh tế nào vì cả ba khu vực đều có tiềm năng và thế mạnh nhưng đồng thời cũng đều tiềm ẩn những yếu tố bất trắc, khó lường.
Ông có thể cho biết, để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 đã đề ra, chúng ta phải làm tốt những vấn đề gì?
Như trên đã đề cập, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 rất nặng nề. Để thực hiện thành công, chúng ta phải tổng kết, đúc rút các bài học kinh nghiệm của năm 2009 để vận dụng và phát huy tốt hơn nữa.
Đồng thời khẩn trương triển khai 12 nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 36/2009/QH12 ngày 6/11/2009 của Quốc hội và 8 nhóm giải pháp trong Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 của Chính phủ.
Xin cám ơn ông!