KTĐT - Hóa ra, mỗi khi các công ty gặp khủng hoảng hay khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng thì giải pháp thoát khỏi khủng hoảng đều giống nhau.
Cứ xem cung cách thoát khỏi thua lỗ nặng nề của Tập đoàn Viễn thông khổng lồ của Hà Lan, có tên viết tắt là KPN, thì thấy.
Cuối năm 2001, KPN lâm vào tình trạng thua lỗ nặng nề với một con số nợ khủng khiếp: 23 tỷ Euro. Đường đi đến phá sản của KPN dường như rộng mở. Các cổ đông hoàn toàn thất vọng và chẳng còn ai tin tưởng vào các vị lãnh đạo cũ. May sao tập đoàn đã mời được Ad Scheepbouwe về làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc từ ngày 1/1/2002. Đây là một tên tuổi lớn và đầy kinh nghiệm trong quản lý. Ông đã từng lãnh đạo Tập đoàn Bưu điện Hà Lan (TPG) trở thành một tập đoàn mạnh mà tên tuổi vượt ra khỏi biên giới Hà Lan khi TPG niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán. Không được đào tạo bài bản từ nhỏ nhưng lại trải qua nhiều năm hoạt động thực tiễn nên Ad Sheepbouwe rất thực tế. Để cứu KPN thoát khỏi gánh nặng nợ nần, kế hoạch đầu tiên của ông là cắt giảm mạnh tay mọi chi phí không cần thiết, kể cả cắt giảm lao động. Trong số 100.000 nhân viên của KPN, ông đã cho nghỉ 14.000 lao động ngay trong năm đầu tiên. Đây là quyết định khó khăn nhất đối với tân tổng giám đốc KPN, vì Hà Lan là một trong những quốc gia ở Châu Âu rất coi trọng các vấn đề an sinh xã hội, việc làm và bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, Ad Sheepbouwe không còn sự lựa chọn nào khác để cứu KPN. Ngay cả với hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của KPN, hầu hết đều bị giảm lương và không ít người phải ra đi vì chưa hết mình với công việc. Nhờ những biện pháp cấp bách đó mà ngay quý đầu năm 2002. KPN đã chặn đứng được đà thua lỗ và từng bước có lợi nhuận.
Tuy nhiên, cái quan trọng đối với một tập đoàn trong lúc cần vượt qua khủng hoảng không thể chỉ bằng cách cắt giảm lao động, cắt giảm chi phí. Quan trọng hơn chính là sự lựa chọn mặt hàng chiến lược và thị trường cần nắm chắc. Với sự tỉnh táo và nhạy bén Ad Sheepbouwe sớm nhận ra điện thoại di động và dịch vụ Internet là hai lĩnh vực có tăng trưởng lợi nhuận rất cao trong thời gian tới. Ông đã bỏ ra 2 tỷ Euro đầu tư cho lĩnh vực này. Nhiều dự án và lĩnh vực chưa cấp thiết được thu gọn thậm chí hủy bỏ để vốn không bị dàn trải. Về thị trường, KPN tập trung vào khu vực nằm trong tầm kiểm soát của mình, giữ chắc thị trường Hà Lan, Bỉ và Đức. Nhờ có chiến lược đúng đắn về mặt hàng và thị trường, đầu tư có trọng điểm, KPN đã từng bước khẳng định được mình: Mạng điện thoại di động e-plus của KPN ngày càng phát triển và thu hút 8 triệu khách hàng sau 2 năm. Năm 2003, doanh thu của KPN đạt 12,7 tỷ Euro và lãi đạt 2,7 tỷ Euro làm tất cả các cổ đông bất ngờ. Sau 2 năm điều hành KPN, Ad Sheepbouwe đã làm số nợ của tập đoàn này chỉ còn 8,2 tỷ Euro.
Rõ ràng, phương cách điều hành mà Ad Sheepbouwe áp dụng ở KPN có thể coi là một kiểu mẫu cho các tập đoàn, công ty trong thời khủng hoảng. Đó là nhanh chóng cắt giảm các chi phí không cần thiết, cắt giảm lao động, cơ cấu lại mặt hàng, thị trường, cải tổ lại quản lý, tìm cách khai thác tốt các nguồn vốn và có chiến lược phát triển hợp lý. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay trên thế giới, nhiều tập đoàn đã cắt giảm lương nhân viên, cắt giảm lao động, hạn chế đi lại bằng má bay riêng mà chuyển sang dùng phương tiện công cộng rẻ tiền, hạn chế nợ xấu, cơ cấu lại mặt hàng và thị trường mà chủ yếu loại bỏ những mặt hàng không có tương lai, hay trước mắt chưa có khả năng sinh lời, thu hẹp các thị trường bất ổn, tập trung giữ những thị trường trọng điểm.
Xem thế, bài học của KPN vẫn còn giá trị.