Theo Bộ KH&ĐT, nhiều DN phản ánh, chi phí kinh doanh cơ bản hiện vẫn ở mức cao, nhất là các chi phí vay vốn, logistics, tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi phí giao dịch, chi phí tuân thủ... Cụ thể, lãi suất vay ở Việt Nam từ 7 - 9%, thậm chí "vay nóng" có thể lên tới 10 - 15%/năm; trong khi ở các nước như Trung Quốc là 4,3%, Hàn Quốc: 2 - 3%, Malaysia: 4,6%, Nhật Bản: 0,95%. Về chi phí vận chuyển: Từ Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần từ Hàn Quốc hay Trung Quốc về Việt Nam. Chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao gấp 2 lần Singapore... Câu chuyện một con lợn - 51 loại phí, một quả trứng - 14 loại phí, một thanh sôcôla - 13 loại giấy phép vẫn đang diễn ra.
Gần đây nhất, câu chuyện về những con đường BOT, ấn định ban đầu nhà đầu tư được thu phí 30 năm, sau khi kiểm toán thì chỉ được thu phí có 10 năm và 20 năm chênh lệch kia đã đè nặng lên vai DN.
Đi vào một số lĩnh vực cụ thể như xuất khẩu hàng hóa, thống kê cho thấy, mỗi năm, các DN Việt Nam phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14,3 nghìn tỷ đồng để chấp hành các thủ tục chuyên ngành như cấp phép, kiểm tra chất lượng, thông quan... Những vấn đề này đã làm tăng chi phí, mất quỹ thời gian của DN, dẫn tới hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa vì giá cao và thời gian vận chuyển tiếp cận thị trường chậm. Hậu quả là trong 5 tháng đầu năm 2017, ngoài mấy chục nghìn DN được thành lập mới thì có đến 32.000 DN ngừng hoạt động, tăng 13% so với năm 2016.Có thể nói, với những rào cản ở trong nước, tinh thần kinh doanh của DN bị suy giảm, ngoài giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động thì nhiều DN đã bán một phần hoặc 100% cho các DN nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là vài năm tới, liệu các DN trên có tiếp tục bán nốt phần còn lại hay không? Đó là bài toán mà Nhà nước phải nghiên cứu để giảm bớt những hiện tượng thoái lui trên thị trường hiện nay.Do đó, giảm bớt chi phí cho DN vừa là ý chí của Chính phủ, vừa là sự mong muốn của các DN làm ăn nghiêm túc, muốn trụ vững lâu dài ở thị trường đất mẹ.Vậy, muốn giảm chi phí, điều quan trọng nhất mà DN mong muốn là Chính phủ phải cải thiện thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh, kiên quyết cắt giảm các chi phí sản xuất kinh doanh bất hợp lý ở các khâu trong quá trình vận hành của DN. Phân bổ nguồn lực một cách hợp lý cho các DN, các thành phần kinh tế, không phải chỉ chú trọng ưu tiên cho DN Nhà nước và nước ngoài. Xử lý nghiêm các vi phạm về gây phiền hà, nhũng nhiễu tiêu cực của các cơ quan quản lý DN, giảm bớt bộ máy hành chính, nâng cao hiệu suất phục vụ DN. Coi các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa là các tế bào của nền kinh tế đất nước; DN tư nhân là động lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Nói giảm chi phí cho DN không chỉ nói chung chung, mà phải có đích phấn đấu cụ thể, tập trung vào những số liệu mang tính định lượng như giảm thuế, giảm chi phí vận chuyển...Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và các địa phương liên quan, sự mạnh dạn lên tiếng kiến nghị chính xác, thỏa đáng của các DN, hy vọng các chi phí sản xuất kinh doanh từng bước sẽ được trở về những mức hợp lý, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, DN Việt Nam ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.