Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài toán tăng thu nhập ở Minh Phú

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với trên 70% số hộ vẫn trông vào sản xuất nông nghiệp như nguồn thu nhập chính, giảm nghèo đang thực sự là bài toán không dễ đối với xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) trên đường về đích xây dựng nông thôn mới.

Đang là giữa vụ Mùa, những cánh đồng xã Minh Phú phủ một màu xanh mát mắt của những đồng lúa đang trong giai đoạn phát triển. Dù trời nắng gắt, nhưng cô Nguyễn Thị Tám, ở thôn Thanh Trí cũng như nhiều nông dân nơi đây vẫn chịu khó xuống đồng làm cỏ. Nhiều năm qua, cuộc sống của gia đình cô Tám vẫn trông cả vào mẫu canh tác, một năm chỉ trồng được 2 vụ lúa. Nhằm có thêm thu nhập, gia đình hiện nuôi thêm 5 con lợn và 2 con bò. Nhưng làm nông vất vả mà cũng chỉ đủ ăn. Cũng bởi vậy mà 3 người con của cô sau khi kết thúc sự học đều vào làm tại các khu công nghiệp trên địa bàn lân cận.
Khoảng 70% số hộ ở xã Minh Phú vẫn trông vào sản xuất nông nghiệp như nguồn thu nhập chính.
Khoảng 70% số hộ ở xã Minh Phú vẫn trông vào sản xuất nông nghiệp như nguồn thu nhập chính.
Ông Nguyễn Văn Lành - Trưởng thôn Thanh Trí cho biết, theo thống kê mới đây, toàn thôn hiện còn khoảng 91 hộ nghèo. So với 2 năm trước đã giảm gần 40%, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Thu nhập bình quân của người dân phần lớn vẫn chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp thuần túy và chăn nuôi nhỏ lẻ. “Thanh niên nam nữ trên địa bàn xã hiện nay chỉ tham gia phụ giúp gia đình khi nông vụ tất bật. Chủ yếu các cháu đi làm công tại các khu công nghiệp, chứ trông vào nông nghiệp thì… không ăn thua” - ông Lành nói.  

Dù giá trị từ sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, nhưng vẫn đang là nguồn sinh kế với sự tham gia của trên 70% số hộ trên địa bàn xã. Đây là một trong những lý do khiến thu nhập trung bình của người dân xã Minh Phú hiện mới đạt khoảng 25 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 – 2020 tại địa phương còn tới trên 7%. Ông Nguyễn Văn Hân – Chủ tịch UBND xã Minh Phú bộc bạch, đến nay, xã đã đạt và cơ bản đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong số những tiêu chí còn lại, nâng cao thu nhập vẫn là bài toán nan giải nhất. Ông Hân cho biết, năm 2015, xã mở rộng diện tích bưởi Diễn thêm 5ha, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn xã lên 180ha. Ngoài cây lúa, xã tập trung phát triển 15ha rau màu, chủ yếu là bí xanh. Cùng với sản xuất nông nghiệp, từ năm 2014 đến nay, 9 lớp đào tạo nghề và 3 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn tổ chức đã được triển khai đến 1.800 học viên. Cho rằng thu nhập của người dân đang từng bước được cải thiện, nhưng ông Hân không phủ nhận, con số này vẫn còn khá thấp. “Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia tăng giá trị. Cùng với địa phương kiến nghị các cơ quan chức năng TP, huyện tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn, phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời hỗ trợ vốn vay để các hộ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Đây sẽ là giải pháp căn cơ giúp địa phương từng bước giải bài toán thu nhập và hộ nghèo, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới...” - ông Hân cho hay.