Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài toán về đội ngũ lao động

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xem phim hay quảng cáo, đôi khi chúng ta bắt gặp những rô bốt có hình dạng rất dễ thương.

Chúng làm việc ngoan ngoãn cho con người và bản thân chúng được sáng tạo ra nhờ trí tuệ con người. Nhưng chính những rô bốt đáng yêu và vô hại ấy lại đang là mối đe dọa nguy hiểm cho con người trước vấn đề nguồn lao động, song chúng ta chỉ có thể “sống chung”. Đấy là nội dung cuộc hội thảo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Tổ chức quốc tế ILO vừa tiến hành.

Đây không phải là chuyện mới mẻ gì. Người ta đã cảnh báo rô bốt do con người tạo ra đang phát triển rất nhanh chóng vì những tiện ích của nó và đến một lúc nào đó, nó sẽ chiếm việc làm của con người, một trong những quyền lợi quan trọng bậc nhất của người lao động trong xã hội hiện nay. Các rô bốt không cần lương, BHXH, BHYT, BHTN, nghỉ thai sản, không đình công, bãi công... Tóm lại nó là cái máy, có thể làm việc 24/24 giờ với năng suất cao, không sai sót. Chính vì thế, các chủ DN trong cuộc cách mạng về công nghệ không ngừng đầu tư chế tạo và sử dụng rô bốt thay con người.
 Ảnh minh họa

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra tác động của rô bốt trong việc tạo nên một bức tranh tương lai ảm đạm. Một báo cáo của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Oxford dự đoán, có đến 47% tỷ lệ việc làm ở Mỹ nằm trong nguy cơ cao bị máy tính hóa và tự động hóa trong vòng 20 năm nữa. Những nghề nghiệp có nguy cơ biến mất theo cách kể trên bao gồm các nghề nghiệp có liên quan đến lĩnh vực vận chuyển, xuất nhập khẩu, xây dựng, thăm dò và khai thác khoáng sản, chế biến thực phẩm và lực lượng cảnh sát an ninh… Ngay cả những nghề nghiệp tạo ra giá trị cao như bác sĩ hoặc luật sư cũng bị đe dọa do nguy cơ tự động hóa.

Một hai rô bốt, có thể chỉ là cánh tay máy tất nhiên là chưa sao nhưng hàng nghìn tay máy, mỗi tay máy có thể thay thế cho 15 con người (trong ngành dệt may là một thí dụ) hoặc ít ra là 4 người (tính bình quân ở nhiều ngành khác) thì vấn đề không còn đơn giản nữa. Trên 15 vạn công nhân, phần nhiều là nữ trong ngành dệt may do có tay máy nên thất nghiệp 10 vạn, đó là vấn đề lớn của toàn xã hội. Không thay người bằng rô bốt sẽ không thể cạnh tranh, nhưng thay người bằng rô bốt sẽ tăng nhanh đội quân thất nghiệp, từ đó đẻ ra vô số tệ nạn, đó là nỗi lo của nhiều DN.

Đến lúc đó, nhiều người sẽ phải làm gì? Có thể, nếu cần cù và sáng tạo, họ sẽ tìm được một lĩnh vực nghề nghiệp khác mang lại nhiều giá trị hơn. Cũng có thể họ chấp nhận phải làm phần việc ít hơn và nhận tiền lương ít lại. Theo một lãnh đạo của Công ty May 10, trước đây, công nhân có 1,3 vạn. Nay chỉ thay tay máy vào một số bộ phận, đã phải giảm 5.000 người, số người này sẽ sống ở đâu, làm gì để sống giữa vùng Trâu Quỳ đông đúc và chật hẹp. Một Công ty May 10 còn thế, nhân lên 500.000 nhà máy, xí nghiệp như May 10 hiện nay. Nếu dùng rô bốt, sẽ là một bài toán nan giải. Trong khi đó, cứ duy trì đội ngũ lao động hiện nay, lương tương đối cao nhưng năng suất lao động của công nhân nước ta chỉ bằng 1/3 năng suất lao động của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…

Không phải trong tương lai mà ngay hôm nay, phải hóa giải mâu thuẫn giữa rô bốt và người lao động. Con đường duy nhất của các DN hiện nay là tính toán để đổi mới công nghệ một cách từng bước, hợp lý, tăng cường sử dụng rô bốt trong những ngành nghề hoặc khâu độc hại, không nên bố trí con người như công nghệ hạt nhân, sản xuất thép, hầm mỏ, lặn sâu, khu vực nhiều ô nhiễm và tăng cường đào tạo. Chỉ có đào tạo nghề và tác phong công nghiệp cho người lao động, học những nghề rô bốt không làm được bằng người mới có thể giải quyết được tình trạng việc vẫn cần người nhưng ngưới vẫn không đủ việc làm hiện nay.