Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản Cát Cát: “Ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc”

Hồ Hạ (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kỉntedothi - Nằm khiêm nhường trong thung lũng bên thác Tiên Sa ngay chân núi Hoàng Liên Sơn với ba bề là núi non hùng vĩ, Bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai) được mệnh danh là “ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc”.

Nhìn từ xa, cả một màu xanh của đồng ruộng, núi đồi bao trùm lên khắp bản, xen lẫn những ngôi nhà nhỏ bé hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh thiên nhiên Cát Cát tràn đầy màu sắc. Trung tâm bản là nơi hội tụ của ba dòng suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc cùng thác Cát Cát (thác Tiên Sa) ngày đêm tung bọt trắng xoá. Bên cạnh thác có hai cầu treo là cầu Si và cầu A Lứ- điểm dừng chân lý tưởng để ghi lại những khoảnh khắc đẹp.
Bản Cát Cát không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông. Trong trang phục truyền thống, dân bản thu hút mọi ánh nhìn của những vị khách đến từ phương xa. Phụ nữ vẫn dùng tấm vải quấn quanh đầu làm khăn, áo khoác với cổ áo thêu họa tiết cổ. Thắt lưng được thêu các họa tiết cầu kỳ có tua rua 2 đầu. Váy có hình nón cụt được xếp nếp với phần mông bó chặt, thân váy xòe. Ðàn ông người vẫn đội chiếc mũ làm bằng vải lanh, áo trong xẻ nách, áo khoác dài ở bên ngoài. Đặc biệt, dân bản vẫn lưu giữ được phong tục Kéo vợ. Trai bản nếu đem lòng yêu một cô gái, họ sẽ tổ chức làm cỗ nhờ bạn bè “kéo” cô gái về nhà và giữ cô ấy trong ba ngày. Nếu cô gái đồng ý làm vợ thì sẽ có lễ cưới nếu không họ sẽ lại là bạn bè.
Nếu đủ thời gian, du khách nên trải nghiệm dịch vụ homestay trong những ngôi nhà “Trình tường” ba gian lợp ván gỗ truyền thống của đồng bào Mông. Không gian trong nhà khá đơn giản với nơi thờ cúng, có sàn gác lương thực để dự trữ qua mùa lạnh, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách... nhưng đều ngăn nắp, sạch sẽ. Chủ nhà sẵn sàng phục vụ du khách những món ăn độc đáo như: Rượu ngô Mông, thắng cố, thịt hun khói "khăng gai", tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, đậu xị... Tối đến, bạn có thể xem và học nhảy nhảy sạp, thưởng thức điệu khèn, tiếng đàn môi xao động lòng người cùng những chàng trai, cô gái Mông tại khu nhà văn hóa. Ngoài nghề nông, trồng lúa trên ruộng bậc thang, dân bản còn giỏi các nghề trồng bông, lanh, dệt vải, chạm trổ bạc, chế tác trang sức. Thế nên, với nhiều du khách, tới Cát Cát nhất định phải tham quan làng nghề, chợ thủ công truyền thống và mua thổ cẩm hay vòng cổ, vòng tay, nhẫn ,... do chính đồng bào Mông sản xuất.
Mang đến bao trải nghiệm tuyệt vời, bản Cát Cát là một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Sapa của du khách.