KTĐT - Giấc mộng kinh doanh luôn hiện hữu trong tâm trí tất cả chúng ta, nhưng chỉ một số ít người thành công, đơn giản là vì đa phần mọi người đều bận rộn với các công việc thường nhật cần làm và không chắc chắn về những gì cần thực thi.
Bạn còn trẻ, và bạn không muốn đi theo con đường mà nhiều người vẫn chọn là trở thành nhân viên ở một công ty nào đó với một mức lương trung bình. Bạn muốn có công việc kinh doanh của riêng mình, đồng thời học hỏi thêm để dần trở thành một ông chủ thật sự.
Tất nhiên đó là một ý tưởng hay, song tự mình tiến hành công việc kinh doanh ? và kinh doanh sinh lời ? luôn là điều khó khăn. Để giúp đỡ bạn vượt qua giai đoạn này, các chuyên gia đề xuất một số loại hình kinh doanh mà bạn có thể khởi sự, cũng như một vài yếu tố khác mà bạn cần quan tâm trước khi lựa chọn hoạt động kinh doanh.
Lựa chọn đầu tiên là cung cấp dịch vụ. Mọi người đều có thể tham gia lĩnh vực này, bởi vì hầu như ai cũng có một kỹ năng, kiến thức hay kinh nghiệm mà nhiều người khác sẵn lòng trả tiền để có được, nghĩa là nhiều người sẵn lòng trả tiền để bạn dạy họ kỹ năng hay kiến thức nào đó. Cung cấp dịch vụ là hoạt động không có biên giới - bất kỳ thanh niên trẻ nào với nhu cầu và niềm đam mê kiếm thêm các khoản thu nhập đều có thể bán hay cung cấp dịch vụ. Cung cấp dịch vụ là một lựa chọn khá tốt cho các chủ doanh nghiệp trẻ, bởi vì trong nhiều trường hợp, khoản đầu tư ban đầu không lớn lắm, thậm chí chỉ tương đương khoản tiền để in danh thiếp kinh doanh hay dành cho tiếp thị, quảng cáo.
Một lựa chọn khác là bạn sẽ mua các sản phẩm mới, chẳng hạn như kính mắt, quần áo, vật dụng thời trang, nội thất hay quà tặng với số lượng lớn theo giá bán buôn, sau đó bán lẻ lại các sản phẩm đó để tìm thu lợi nhuận. Bạn có thể bán chúng tại nhà, trên mạng, các quầy hàng trên đường phố, hay trong cửa hàng tạp hóa ở địa phương. Cũng như việc cung cấp dịch vụ, bán một sản phẩm mới hay sản phẩm đã qua sử dụng không hề có một giới hạn nào, và mọi người đều có khả năng làm việc đó, bất chấp tuổi tác hay kinh nghiệm.
Lựa chọn thứ ba là sản xuất và bán sản phẩm với mức giá bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng, hay với mức giá bán buôn cho các nhà bán lẻ, nhà xuất khẩu, nhà bán buôn và nhà phân phối khác. Mọi việc nghe có vẻ to tát, nhưng tất cả mọi người đều có thể làm được, bởi vì với một số kiến thức cơ bản đã được đào tạo, mọi người đều có thể nhanh chóng biết được làm thế nào để sản xuất một sản phẩm đơn giản, sau đó bán đi để kiếm lời. Có hàng trăm các sản phẩm khác nhau có thể được sản xuất dễ dàng tại nhà, chẳng hạn như nến, đồ chơi, quần áo, trang sức, đồ mỹ nghệ, nội thất, sản phẩm vườn tược, thảo mộc, lồng chim và khung tranh ảnh....
Bạn có thể kiếm được bao nhiêu tiền?
Khoản tiền mà bạn mong muốn kiếm được là bao nhiêu? Sở dĩ câu trả lời được đặt dưới dạng câu hỏi là vì việc điều hành hoạt động kinh doanh của riêng mình, thậm chí là một công ty nhỏ bán thời gian, sẽ giúp bạn có doanh thu lớn hơn là làm thuê tại một công ty khác. Tại sao? Lý do chính là phép nhân đôi đơn giản.
Khi bạn tự mình tiến hành kinh doanh, bạn có thể "nhân đôi" bản thân bằng việc làm thêm giờ, tuyển dụng nhân viên và nhờ đó gia tăng hiệu suất công việc, cũng như đẩy mạnh số lượng khách hàng. Nếu bạn thật sự có năng lực và hoài bão, bạn thậm chí có thể phát triển công việc kinh doanh của mình bằng việc mở các đại lý để cung cấp sản phẩm và dịch vụ tới một số lượng khách hàng đông đảo hơn nhằm thu về lợi nhuận lớn hơn. Có thể nói, khả năng kiếm tiền của bạn sẽ được xác định bởi động cơ và ý chí của bạn.
Lựa chọn đúng cơ hội kiếm tiền
Loại hình kinh doanh hay cơ hội kiếm tiền mà bạn quan tâm phải thật sự phù hợp với bạn. Bạn có thể có mối quan tâm và thậm chí có kinh nghiệm trong một loại hình kinh doanh nào đó, như cung cấp một dịch vụ cụ thể, hay sản xuất và bán sản phẩm, nhưng điều đó không phải là yếu tố duy nhất để thu được nhiều lợi nhuận.
Có rất nhiều điểm cần chú ý khi tìm kiếm một sự phối kết hợp tốt nhất, bao gồm cả việc làm những gì bạn thích thú; tận dụng các kỹ năng và kinh nghiệm hiện có của bạn; số lượng tiền bạn có để đầu tư cho hoạt động khởi sự kinh doanh, và nếu bạn còn quá trẻ thì đó còn là sự cho phép và ủng hộ của cha mẹ.
Làm những gì bạn yêu thích. Bạn nên làm những gì bạn thật sự yêu thích, hay ít nhất là một điều gì đó bạn tin rằng mình sẽ thích thú. Nếu bạn không yêu thích những việc mình đang làm, các cơ hội sẽ không ở lại với bạn lâu dài, thậm chí bạn có thể không có động cơ để tiến hành công việc kinh doanh.
Thất bại vì thế sẽ không tránh khỏi. Còn nếu bạn khởi sự kinh doanh đúng lĩnh vực bạn yêu thích, tiền bạc và sự thoải mái sẽ là kết quả trực tiếp của những kỳ vọng mà bạn đang đặt vào công việc kinh doanh. Nếu bạn không cảm thấy thoải mái với công việc kinh doanh, chắc hẳn sự khó chịu đó cũng sẽ phản chiếu vào những hoạt động thường nhật của bạn.
Tất cả các doanh nhân thành công đều có một đặc điểm chung: Họ yêu thích những gì họ làm. Nếu bạn yêu thích môn thể hình, hãy nghĩ tới việc mở một trung tâm dịch vụ thể hình; nếu bạn yêu thích các hoạt động ngoài trời, bạn có thể tìm kiếm một cơ hội giúp bạn làm việc bên ngoài; nếu bạn yêu thích động vật, hãy khởi sự hoạt động kinh doanh dịch vụ chăm sóc vật nuôi, hay bất cứ cơ hội nào khác sẽ giúp bạn có thể làm việc với các con vật. Câu thành ngữ cổ "Hãy làm những gì bạn yêu thích và tiền bạc sẽ đổ vào túi bạn" là một lời khuyên tuyệt vời. Cuối cùng, nếu bạn không tin tưởng rằng bạn sẽ thích công việc đó, đừng bắt đầu. Bạn không thể có động cơ làm việc nếu bạn không thích những gì bạn đang làm.
Tận dụng tối đa các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Điều đầu tiên bạn nên biết là bạn không cần quá lo lắng, nếu bạn thiếu các kỹ năng kinh doanh và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, chẳng hạn như bán hàng, tiếp thị hay sổ sách kế toán,.... bởi đó là những kỹ năng quan trọng cần phải có, nhưng đồng thời cũng là những kỹ năng mà bạn có thể học hỏi. Vấn đề ở đây là: "Kỹ năng cụ thể hay kiến thức chuyên môn hiện tại nào của bạn có thể được sử dụng để khởi sự kinh doanh?".
Các kỹ năng và kiến thức mà bạn đang sở hữu luôn rất có ích và chúng luôn là những tài sản quý giá của bạn. Ví dụ, nếu bạn biết chơi piano, thì đó có thể là một kỹ năng mà mọi người sẵn sàng trả tiền để bạn dạy họ. Hay, nếu bạn biết cách làm lồng chim, thì đó cũng là một kỹ năng mà bạn có thể tận dụng để khởi sự kinh doanh với một công ty chuyên về sản xuất và buôn bán lồng chim.
Tuy nhiên, phần lớn mọi người lại có xu hướng đánh giá thấp các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức của mình. Bạn cần nhớ rõ rằng: Những gì có thể rất bình thường đối với bạn có thể là thứ có giá trị đối với người khác. Tương tự, bạn có thể nghĩ rằng kiến thức hay chuyên môn đặc biệt nào đó của bạn là thứ tầm thường, nhưng nếu một ai đó thật sự cần hay mong muốn học hỏi các kỹ năng đó, cần đến dịch vụ/sản phẩm có liên quan, chúng sẽ trở nên vô cùng đáng giá.
Bạn hãy xây dựng một danh sách tất cả kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn cụ thể của bạn, sau đó tìm kiếm các cách thức khác nhau để khởi sự một công ty hay một cơ hội làm giàu dựa trên một trong số các kỹ năng, kinh nghiệm đó.
Tạo vốn
Một vấn đề quan trọng khác bạn cần quan tâm là lượng tiền bạn có để khởi sự kinh doanh. Câu hỏi đầu tiên là: Bạn có đủ số tiền cần thiết để khởi sự kinh doanh hay chưa? Nếu chưa, bạn nên nghĩ tới các lựa chọn khác với một loại hình hình doanh khác yêu cầu ít vốn hơn, hay tìm kiếm đối tác để chia sẻ chi phí khởi sự kinh doanh và gánh nặng công việc.
Khoản tiền cần thiết để khởi sự kinh doanh, được gọi là "vốn đầu tư", có thể được phân loại như sau: "Vốn khởi sự" là những gì bạn cần để mua sắm thiết bị, tiến hành các thủ tục pháp lý, hay mua nguyên vật liệu,... và "vốn hoạt động" là khoản tiền bạn cần để thanh toán các hóa đơn cho đến khi công việc kinh doanh của bạn sinh lời đủ để trang trải các chi phí đó.
Các công ty mới với số vốn không đủ cuối cùng sẽ thất bại. Đây là một thực tế trong thế giới kinh doanh. Chính vì việc có đủ tiền hay có khả năng huy động đủ số tiền cần thiết cho hoạt động khởi sự kinh doanh có vai trò quan trọng đến như vậy, nên nếu bạn không thể vượt qua khó khăn đó, bạn hãy tìm kiếm các cơ hội khác thích hợp với bạn hơn.
Sự ủng hộ và cho phép của cha mẹ. Đây là một yếu tố quan trọng, bởi vì nếu bạn ở dưới độ tuổi theo luật định, cha mẹ hay người giám hộ của bạn sẽ cần phải hành động thay mặt bạn và ký vào bất cứ một văn bản, tài liệu pháp lý, tài chính, bảo hiểm nào tùy thuộc vào loại hình kinh doanh mà bạn lựa chọn.
Sự ủng hộ và trợ giúp của cha mẹ còn quan trọng bởi nhiều lý do khác nữa. Đó có thể là việc mượn xe của gia đình, nhờ cha mẹ dẫn bạn đi tham quan một số cơ sở kinh doanh tương tự, nhờ cậy các mối quan hệ của cha mẹ, sử dụng căn nhà của gia đình để cất giữ sản phẩm, hàng hóa, thiết lập văn phòng làm việc,.... Chính vì vậy, bạn nên thảo luận với cha mẹ về kế hoạch kinh doanh và niềm đam mê của bạn để lôi kéo sự đồng tình và thuyết phục họ ủng hộ bạn hoàn toàn trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào. Khi đó, công việc kinh doanh ban đầu của bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.
Kết luận
Giấc mộng kinh doanh luôn hiện hữu trong tâm trí tất cả chúng ta, nhưng chỉ một số ít người thành công, đơn giản là vì đa phần mọi người đều bận rộn với các công việc thường nhật cần làm và không chắc chắn về những gì cần thực thi. Đừng để giấc mộng khởi sự kinh doanh của bạn phải "chết yểu" chỉ bởi không nắm vững về tất cả những vấn đề liên quan trong quá trình khởi sự