Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán hàng đa cấp bất chính có thể bị xử lý hình sự

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, hàng loạt người dân đã tố cáo, phản ánh tới báo Kinh tế & Đô thị các chiêu lừa đảo của Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long (Thăng Long Group) khiến nhiều nạn nhân sập bẫy.

Bán hàng đa cấp bất chính có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 1
Liệu có những lỗ hổng trong hình thức kinh doanh này dẫn đến công ty lách luật, bán hàng đa cấp bất chính? Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết, làm sao nhận diện được hành vi bán hàng đa cấp bất chính?

- Do sự hiểu biết của những người tham gia còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc nhận biết hành vi bán hàng đa cấp bất chính. Vì vậy, trước khi tham gia hệ thống, người dân cần tìm hiểu rõ về công ty, sản phẩm, mô hình trả lương, thưởng.

Căn cứ theo Điều 48 của Luật Cạnh tranh và Điều 5 của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2014, cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:

Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại.

Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Website của Thăng Long Group.
Website của Thăng Long Group.
Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.

Cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định tại Điều 26 Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp…

Người dân phản ánh, dù chưa nhận hàng nhưng Thăng Long Group vẫn không cho trả lại, phải chăng đây là dấu hiệu bán hàng đa cấp bất chính, thưa ông?

- Đúng vậy! Điều 26 Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định, khi người tham gia bán hàng đa cấp có yêu cầu, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia, bao gồm cả hàng hóa được bán theo chương trình khuyến mại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tham gia bán hàng đa cấp nhận hàng.

Vì vậy, trường hợp những người tham gia chưa nhận hàng, doanh nghiệp có trách nhiệm mua lại số hàng này.
Văn phòng trụ sở chính của Thăng Long Group tại quận Cầu Giấy, Hà Nội
Văn phòng trụ sở chính của Thăng Long Group tại quận Cầu Giấy, Hà Nội
Tuy nhiên, phía công ty cho rằng, dù chưa lấy hàng nhưng người tham gia bán hàng đa cấp đã ký nhận?

- Về thời hạn 30 ngày trả lại hàng, điều kiện này chỉ có hiệu lực khi người tham gia nhận được hàng. Điều này cũng có nghĩa, khi khách chưa nhận được hàng, buộc công ty phải trả lại 100% giá trị hợp đồng, không cần biết đã qua 30 ngày hay chưa.

Ngay cả khi người tham gia đã ký giấy nhận hàng mà chưa nhận được hàng càng chứng tỏ hoạt động bán, hàng của doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo.

Trường hợp doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, theo ông, người tham gia bán hàng đa cấp phải làm thế nào để đòi quyền lợi?

- Trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp đã liên hệ nhưng doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, nếu có lý do để cho rằng doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự, người tham gia bán hàng đa cấp cần trình báo ngay với cơ quan công an để được bảo vệ; hoặc có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên.

Trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình, người dân có thể liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và các sở công thương tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ.

Vậy, giải pháp, chế tài nào để có thể ngăn chặn hình thức kinh doanh đa cấp bất chính, thưa ông?

- Các văn bản pháp lý đã ban hành khá đầy đủ nhưng vẫn cần phải rà soát và điều chỉnh để có thể phù hợp và sát hơn, có cơ sở điều tra khi doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm. Cần nhiều hơn các chế tài và khung pháp lý nhất định để dựa vào đó điều chỉnh các hoạt động bán hàng đa cấp được đúng đắn.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Cần xem xét bổ sung hoặc sửa đổi Nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nhằm nâng chế tài xử phạt để răn đe. Thậm chí, có thể xử lý trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Xin cảm ơn ông!