Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán hàng kiểu "đuổi khách"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lỡ tay đổ đầy tương ớt vào khách nhưng không một lời xin lỗi; mắng chửi, đốt vía khi khách vào cửa hàng mà không mua... những hành động này không chỉ có quán vỉa hè mà diễn ra ngay cả ở cửa hàng sang trọng.

Buổi trưa, chị Thanh nhân viên ngân hàng cùng 3 đồng nghiệp ăn bún bò ở đường Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội thì cô nhân viên phục vụ trong khi thu dọn bàn, đánh đổ cả lọ dấm, tương ớt vào người chị. Tương ớt và dấm tỏi văng tung tóe lên quần áo và tóc chị Thanh.

Trong khi 3 người bạn bỏ ăn xúm vào gạt tương ớt và lau vết bẩn giúp chị thì nhân viên cửa hàng cười đùa khúc khích bỏ mặc "thượng đế". Còn bà chủ quán cười hềnh hệch: "Đổ vào người ta sao không xin lỗi một câu" rồi lại thản nhiên đếm tiền xoành xoạch.

Cả nhóm chị không ai có thể ăn tiếp bát bún đành gọi tính tiền. Theo chị Thanh, việc nhỡ tay làm đổ vỡ đồ là chuyện không ai mong muốn song thái độ dửng dưng khi mắc sai lầm là điều khó chấp nhận. "Cả buổi chiều tôi không tập trung làm việc được vì cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Thái độ của nhân viên và hơn hết là chủ quán là một cách gián tiếp đuổi khách hàng", chị Thanh chia sẻ.

Thanh Thảo, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng gặp một hoàn cảnh tương tự khi mua quần áo trên phố Cầu Giấy. Thảo kể lại, thấy có khách bước vào cửa hàng, bà chủ- khuôn mặt trát bự phấn đon đả mời: “Em mua đi, toàn mẫu quần áo mới về, hàng đẹp cả đấy”.

Sau một hồi lựa chọn và thử 2-3 chiếc áo mà không ưng, Thảo cùng bạn xin lỗi và quay ra thì người bán hàng ngay lập tức đổi giọng: “Hai con nhà quê, đã không có tiền còn sĩ diện” khiến 2 cô gái không khỏi choáng váng. “Không hiểu tại sao chị ấy lại phản ứng như vậy. Chẳng lẽ không ưng ý chúng tôi vẫn phải cố mua, bán hàng kiểu này, không mất khách mới lạ", cô sinh viên năm 3 Đại học Sư phạm bức xúc.

Một lần đưa bạn gái đi mua đồ trên khu phố cổ, anh Hùng, nhân viên một công ty truyền thông phải phát hoảng vì cách nói chuyện của nhân viên bán hàng. Bạn gái Hùng là người kỹ tính và dáng người cũng không chuẩn, nên thử đến 3 chiếc váy mà cô vẫn không ưng. Hùng kể, trong lúc chờ bạn gái thử bộ váy thứ 4, anh đã thấy nhân viên bán hàng tỏ thái độ.

Hai cô này đứng nói chuyện với nhau, nhưng liên tục văng ra những câu nói khó nghe: "Dáng người béo ị mà đòi mặc cái váy đó", "Chân ngắn, lưng dài thế kia, có mặc váy dát vàng cũng không khá lên được" khiến anh Hùng "nóng mặt".

Ngay sau đó, anh kéo bạn gái đi sang hàng khác mua. Hai cô nhân viên cũng xé ngay tờ báo trên kệ, châm lửa đốt và luồn qua háng. “Hành động đó thật phản cảm, tôi thề không bao giờ quay lại đó nữa. Lúc đó, nếu nhân viên là đàn ông, chắc chắn sẽ bị cho 1 trận”, anh Hùng bức xúc cho biết.

Kiểu bán hàng coi thường, xúc phạm khách như trên không còn xa lạ với một bộ phận người tiêu dùng. Tuy nhiên, người bán hàng lại có cách giải thích riêng. Chị Thanh Trúc, chủ một cửa hàng bán quần áo ở phố Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết, không ai muốn cư xử với khách một cách thô lỗ nhưng nhiều người đi mua hàng tự cho mình quyền "có tiền mua tiên cũng được". "Có khách hàng bắt nhân viên đưa hết bộ này đến bộ khác để thử nhưng rồi lại không mua mà không nói một lời nên nhân viên cũng không tránh khỏi sự khó chịu", chị Trúc giải thích.

Trao đổi với PV, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty LeMedia cho hay, thái độ coi thường khách hàng như đốt vía, thậm chí nặng lời chửi bới là hanh vi không thể chấp nhận được trong kinh doanh. Những hành vi như vậy khiến cho những người có nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ cảm thấy ngại ngần. "Kiểu kinh doanh như vậy sẽ rất khó tồn tại", ông Vinh nhận xét.

Theo ông Vinh, nếu khách hàng gặp những hành vi không tốt của nhân viên nơi bán có thể thẳng thắn phản ánh với chủ cửa hàng để họ rút kinh nghiệm. "Trong trường hợp phản ánh vẫn không có tác dụng thì chỉ còn cách chọn cửa hàng khác. Đó sẽ là bài học đắt giá cho những đơn vị kinh doanh này", ông Vinh nói.