Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi:

Ban hành nghị quyết tạo đột phá về phát triển chính quyền điện tử

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nghị quyết ra đời nhằm tạo bước đột phá về phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngày 7/9, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo nghị quyết này, Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025 đạt được một số mục tiêu quan trọng. Trong đó, về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.

Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số - hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và đạt 100% cấp xã; tỉnh Quảng Ngãi không còn vùng lõm sóng di động; trên 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân.

Đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được  cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Ảnh: Hà Phương
Đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được  cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Ảnh: Hà Phương

100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được  cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, triển khai trên nhiều phương thức truy cập khác nhau. Trên 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%.

100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh ứng dụng dữ liệu số trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Trên 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Ngãi sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm gồm: chuyển đổi nhận thức; xây dựng thể chế, chính sách, nguồn lực cho chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số như: nông nghiệp, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, quản lý đô thị, du lịch, vận tải, logistics, an ninh, an toàn xã hội.

Quảng Ngãi phát động phong trào chuyển đổi số năm 2023. Ảnh: Hà Phương
Quảng Ngãi phát động phong trào chuyển đổi số năm 2023. Ảnh: Hà Phương

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có những thay đổi tích cực, song vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển; một số hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; kinh tế số và xã hội số chưa phát triển mạnh.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Một số cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của chuyển đổi số nên chưa tạo được nhận thức chung và quyết tâm hành động.

Nguồn lực đầu tư còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực số chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhận thức, kỹ năng số của người dân trong ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu.

Nghị quyết ra đời sẽ thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phát triển kinh tế số, xã hội số gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hoạt động đối ngoại, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung và đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.