Trong buổi sơ kết một tháng của đợt kiểm tra cao điểm vừa qua, nhiều người giật mình vì số cơ sở vi phạm được phát hiện.
Hàng trăm cơ sở vi phạm
Nhà hàng Gà tươi Mạnh Hoạch (97 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) mỗi ngày đón tiếp hàng trăm lượt thực khách. Ngay ở tầng 1, đập vào mắt là hai quầy bày la liệt đủ loại rượu, từ rượu có nhãn mác đến các loại được ngâm thủ công đựng trong chai, hũ trông rất đẹp mắt. Theo lời chủ nhà hàng, đây là rượu Táo mèo và rượu Ba kích. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, đại diện nhà hàng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Đoàn liên ngành đã niêm phong hàng chục chai, bình rượu Ba kích và Táo mèo tại cơ sở này, đồng thời lẫy mẫu xét nghiệm.
Cùng thời điểm, lực lượng quản lý thị trường quận Cầu Giấy kiểm tra đột xuất Quán Cây đề (21 Nguyễn Khang) và phát hiện cơ sở này bán rượu trắng không rõ nguồn gốc. Đoàn đã niêm phong những can rượu trắng này và xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, Đoàn cũng phát hiện cơ sở sử dụng tủ đông vừa chứa thịt tươi sống lẫn nước đá để cho khách uống bia.
Theo bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, trong quý I/2017, quận đã thành lập 12 đoàn liên ngành về ATTP, kiểm tra 1.226 cơ sở, xử phạt 229 cơ sở với số tiền phạt gần 1 tỷ đồng. Riêng về mặt hàng rượu, quận phát hiện 78 cơ sở vi phạm, phạt tiền 117 triệu đồng.
Đề cập đến vấn đề quản lý và xử lý rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn, ông Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong một tháng qua, Hà Nội đã thành lập 688 đoàn kiểm tra, riêng cấp TP có 2 đoàn liên ngành chỉ để kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu rượu. Các đoàn đã kiểm tra được 5.420 cơ sở, trong đó phát hiện đến 733 cơ sở vi phạm, xử phạt số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Các đoàn cũng đã tiêu hủy 55.000 lít rượu không rõ nguồn gốc.
Khó quản lý
Theo thống kê, 80% lượng rượu nấu thủ công tại các làng quê là loại rượu thiếu tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, thành phần không rõ ràng. Đến chính người nấu cũng không biết trong rượu mình làm ra có những thành phần gì, vì họ nhập nguyên liệu trôi nổi. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc khó kiểm soát chất lượng và độ an toàn của loại rượu này.
Về việc kiểm soát rượu, đại diện quận Cầu Giấy thừa nhận, rất khó quản lý, vì địa bàn có quá nhiều cửa hàng ăn uống có bày bán rượu, trong khi lực lượng chức trách lại có hạn. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở có bán rượu cho khách, khi thấy đoàn kiểm tra đến thì tẩu tán hoặc khẳng định, rượu đó không bán mà chỉ để… lau bát đĩa.
Một cán bộ khác của ngành y tế cho rằng, nhan nhản các quán ăn bình dân, hầu như quán nào cũng bán rượu, mà đa phần là rượu truyền thống không nhãn mác, rất khó kiểm soát.
Tại buổi làm việc với UBND quận Cầu Giấy trong sáng qua, lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, việc xử lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu căn cứ vào Nghị định 94/2012/NĐ-CP về quản lý, trong đó quy định xử phạt rượu chung với ngành hàng khác. Vậy nên cần phải sửa đổi Nghị định, quy định rõ về quản lý và xử phạt mặt hàng rượu.
Tại hội nghị mới đây về quản lý rượu do Bộ Công Thương tổ chức, nhiều địa phương kêu khó trong công tác kiểm soát rượu trên địa bàn. Thực tế, Hà Nội cũng như các địa phương khác, hiện đều thiếu cán bộ chuyên trách nên việc kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất chưa được thường xuyên, liên tục. Thậm chí nhiều địa phương còn lơ là, bỏ lửng, chỉ đến khi xảy ra ngộ độc mới vào cuộc
Những cuộc kiểm tra, giám sát gần đây cũng như tại các hội nghị, hội thảo, ngành chức năng khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, nhưng xem ra, quản lý rượu vẫn là bài toán khó.
Kiểm tra ATTP cũng như kiểm soát rượu trên địa bàn là việc làm thường xuyên, liên tục, không chỉ trong tháng cao điểm vừa qua cũng như Tháng Hành động vì chất lượng ATTP tới đây. Rất mừng là từ khi TP tăng cường kiểm tra đến nay, Hà Nội không ghi nhận thêm trường hợp ngộ độc rượu. Tới đây, một mặt Hà Nội sẽ kiểm soát nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, một mặt tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tẩy chay rượu không rõ nguồn gốc. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP (Nghị định 94) đang được Bộ Công Thương gấp rút hoàn thành để trình Chính phủ thông qua được kỳ vọng sẽ giúp quản lý chặt chẽ, có hiệu quả hơn đối với mặt hàng rượu. |