Kinhtedothi - Sau một năm tranh cãi và góp ý, Bộ VHTT&DL đã chính thức công bố quyết định triển khai Quy hoạch nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Khoảng thời gian 5 năm (2015 – 2020) để thực hiện quy hoạch của lĩnh vực mang tính đa dạng phức tạp này xem ra rất dễ gặp “vướng”.
Nỗi lo “không có nhà để hát”
Hơn một năm trước, các phương tiện truyền thông đồng loạt lên tiếng về con số 7.000 tỷ đồng để xây dựng 21 nhà hát được đề ra ở dự thảo quy hoạch. Con số này sau đó được lãnh đạo Bộ lý giải bao gồm cả xây rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, không hiểu vì nhận ra sự phi lý của đề án trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, hay vì lý do khác mà trong bản quy hoạch chính thức, phần xây mới, chỉnh trang nhà hát này khá chung chung. Ông Phạm Đình Thắng – Phó Cục trưởng Cục NTBD cho biết: “Quy hoạch không nhắc lại vấn đề này, việc xây mới, sửa chữa nhà hát sẽ áp dụng theo Quyết định số 88 của Thủ tướng Chính phủ. Bản quy hoạch chỉ đề ra mục tiêu xây mới một nhà hát hiện đại ở TP Hồ Chí Minh, do vốn đầu tư từ T.Ư, còn các địa phương khác tùy vào điều kiện tài chính của tỉnh, TP”.
Quy hoạch đề ra là vậy, nhưng ngay trong buổi công bố chính thức, các đơn vị nghệ thuật không ngớt than về chuyện “không có nhà để hát”. Đại diện tỉnh Hà Giang đề xuất xin kinh phí xây nhà hát đạt quy chuẩn, bởi “miền xuôi không có thiết chế này thì có cái khác, chứ miền núi không có gì”. Thực tế nhiều năm qua, ngay giữa Thủ đô, những nhà hát T.Ư như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam đều chung cảnh “không có nhà để hát”. Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng xin được quỹ đất xây nhà hát, sau hết thời gian phải trả lại vì không tìm đâu ra kinh phí. Ông Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lo ngại: Quy hoạch không chỉ rõ tiến độ xây dựng, chỉnh trang các nhà hát, nguồn kinh phí địa phương lấy ở đâu.
Để quy hoạch không nằm trên bàn giấy
Chỉ còn 5 năm nữa, ngành văn hóa phải hoàn thành công việc mà Quy hoạch tổng thể phát triển NTBD đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đề ra. Để quy hoạch không nằm trên giấy, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Lê Tiến Thọ nhấn mạnh: “Bộ VHTT&DL là đơn vị mời Bộ Tài chính, mời các địa phương có chính sách xây dựng, bảo tồn triển khai thực hiện cụ thể như đất ở đâu, tiền ở đâu, năm nay được cấp bao nhiêu tiền, sang năm được cấp bao nhiêu tiền, rồi xây dựng đến đâu, giải quyết đến đâu…”. Bởi thực tế đã chứng minh, nhiều ngành điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật và triển lãm cũng rơi vào quy hoạch ngắn hạn: Xây dựng mất công, tốn thời gian, đến khi phê duyệt chỉ còn vài năm thực hiện và những nội dung đề ra trong quy hoạch đã không thể áp dụng vào thực tế.
Giới nghệ sĩ, quản lý văn hóa mong ngóng quy hoạch này từ lâu, tuy nhiên, như PGS.TS Lương Hồng Quang - một trong các thành viên xây dựng bản quy hoạch thừa nhận, thời gian thực hiện quy hoạch rất hạn hẹp, nguồn lực bó hẹp. Ông Thắng phân trần, đây có thể nói là quy hoạch đầu tiên của ngành NTBD, nhưng rõ ràng còn nhiều trăn trở vì từ giờ đến năm 2020, Bộ VHTT&DL cũng phải xây dựng 17 đề án lớn, chưa kể nhiều đề án lớn đã triển khai, nên không đưa vào quy hoạch này. Trước đó, ngành NTBD mất gần chục năm xây dựng quy hoạch rồi cũng không khả thi.
Theo quy hoạch, Bộ VHTT&DL sẽ nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng Luật NTBD; Tiếp tục sửa đổi chế độ tiền lương tại Nghị định 24/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ cho phù hợp với tình hình hiện tại để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và các chế độ đối với nghệ sĩ, đội ngũ giảng viên, giáo viên đào tạo và các học sinh, sinh viên học các ngành NTBD…
Một cảnh trong vở kịch '' Bệnh sĩ'' của Nhà hát Kịch Việt Nam.
|