Kinhtedothi - Một số hiện tượng trong giới trẻ, trong đó có bộ phim Hàn Quốc “Hậu duệ mặt trời” liên tiếp được đưa vào đề thi các môn Ngữ văn, Vật lý, Tiếng Anh… khiến nhiều người băn khoăn: Những câu hỏi "mở" này kiểm tra kiến thức gì ở học sinh (HS)? Không ít người cho rằng, yêu cầu của đề không có ý nghĩa, không có tính giáo dục.
Mới đây nhất, một trường THCS ở TP Hồ Chí Minh đưa hiện tượng "soái ca" trong phim "Hậu duệ mặt trời" và bài hát "Vợ người ta" vào đề thi Văn lớp 8. Hay đề thi học kỳ II môn Vật lý của HS lớp 10 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP Hồ Chí Minh) cũng có một cảnh phim "Hậu duệ mặt trời" đang gây "sốt" trên mạng xã hội. Bất ngờ hơn, "Hậu duệ mặt trời" cũng xuất hiện trong đề kiểm tra môn Tiếng Anh của một trường THPT ở Hà Nội… Đây là đề kiểm tra Tiếng Anh cho HS lớp 10, trong đó có câu số 13: "Song Joong-ki is a well-known… in Korea and Vietnam" (tạm dịch là: Song Joong-ki là một... nổi tiếng ở Hàn Quốc và Việt Nam". Và câu 14 cũng nhắc đến: “Descendants of the Sun” is a Korean television…" (tạm dịch là: "Hậu duệ mặt trời là một... truyền hình Hàn Quốc"...
Qua tìm hiểu cho thấy, khá nhiều HS hào hứng với cách ra đề thi mở như vậy. Nguyễn Thu Trang - HS lớp 9 trường THCS Đống Đa chia sẻ: “Dù ở trường không ra đề thi như một số tỉnh, thành khác, nhưng nếu trường ra đề thi có những nhân vật, ca sĩ nổi tiếng mà em thích, em sẽ cảm thấy hào hứng để làm bài”. Tuy nhiên, cũng không ít HS không đồng tình và cho rằng, nếu không xem phim Hàn Quốc, không hiểu nhân vật thì chắc chắn... trượt. “Đề thi nên đưa những sự kiện nổi bật trong nước, sự kiện lịch sử nước nhà, ví dụ như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoặc những vấn đề gần gũi, thực tế với HS” – một HS trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ.
Cần tính định hướng
Nhìn nhận về các đề thi ra theo hướng mở hiện nay, những người trong nghề đồng tình, HS cần hiểu biết thêm các sự kiện trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi đưa thực tế vào đề thi cần có tính định hướng. Một nhà giáo ở tập thể Đại học Y Hà Nội phân tích: Đối với các môn khoa học tự nhiên, việc đưa các sự kiện nóng vào đề thường chỉ giúp nội dung đề thêm sinh động mà không ảnh hưởng nhiều đến kết quả vì đáp án mang tính đúng - sai. Nhưng văn học lại khác, giá trị cốt lõi của văn học là giáo dục nhận thức, thẩm mỹ, định hướng cho trẻ qua những sản phẩm văn học. Từ đó các em sẽ biết chọn lối sống chân thiện mỹ, biết rung cảm trước cái đẹp, cái tốt, cái hay và biết phê phán cái xấu, cái bất công trong đời sống. “Văn học không phải là những phép tính, những bài giải cho các vấn đề nổi cộm trong xã hội. Đề mở giúp HS được tự do nói lên cảm xúc, suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, người ra đề phải có tính định hướng, hướng tới người học, phải phát huy tính tích cực, thông qua bài học để HS hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống…” - nhà giáo này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, đề mở rất cần thiết để HS phát huy năng lực bản thân, đánh giá các vấn đề của cuộc sống. Tuy nhiên, tính thời sự không phải là ưu tiên số một của đề thi, nhất là việc chạy theo những vấn đề, sự kiện mang tính hiện tượng của giới trẻ. Một số địa phương lấy câu chuyện nước ngoài chưa phổ biến rộng rãi, không có tính giáo dục, chỉ là hình tượng của giới trẻ… nếu đưa vào đề thi sẽ lệch lạc, làm HS bị sai định hướng. “Bám sát đời sống có biết bao vấn đề đáng quan tâm như: Ngày Trái đất, một HS dũng cảm cứu người bị nạn; HS giúp bạn khuyết tật đến trường… có thể đưa vào đề thi, như thế vừa có tính định hướng, giáo dục nhân cách cho các em, vừa gần gũi, thiết thực” – ông Bình khẳng định.
Thế nên, rất nhiều giáo viên khi được hỏi đã có chung quan điểm: Đề ra theo hướng mở thay cho đề thi đóng khung, áp đặt là để HS thể hiện ý kiến, quan điểm đa chiều của mình. Tuy nhiên, một số giáo viên đang ngộ nhận cách ra đề theo hướng đổi mới, bởi giáo dục là để đào tạo HS có phông văn hóa bền vững, không phải mang tính nhất thời.
Ra đề theo... trào lưu
Không khó để nhận thấy, khá nhiều vấn đề “hot” trên các mạng xã hội có nội dung liên quan đến một bộ phim hay một ca sĩ... đã được đưa vào đề thi môn Ngữ văn, Vật lý, Tiếng Anh ở trường THCS, THPT ở một số tỉnh, TP.
Giờ học Ngữ văn của học sinh khối 12 trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
|