Theo một đánh giá gần đây của Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P), ngành bán lẻ truyền thống ở Mỹ đang ngày càng xuống dốc do sự cạnh tranh khốc liệt từ mô hình bán lẻ trực tuyến. Tính riêng trong năm 2017, đã có 10 hãng bán lẻ đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Ngay cả Sears - một trong những chuỗi bán lẻ hàng đầu nước Mỹ ra đời từ năm 1886 cũng đang phải vật lộn để tồn tại.
Ông Stephen Ketchum - đại diện Quỹ đầu tư Sound Point Capital nhận định: “Tôi cho rằng, tác động từ mô hình bán lẻ trực tuyến đối với nền kinh tế Mỹ sẽ còn lớn hơn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009. Giờ đây, NTD chỉ cần vào Amazon là có thể mua bất cứ thứ gì họ cần, và điều đó nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự sụp đổ của cả hệ thống bán lẻ truyền thống”. Trong thời gian gần đây, sự vươn lên mạnh mẽ của các trang mạng bán hàng trực tuyến, điển hình là hãng bán lẻ trực tuyến Amazon, đã tạo nên sức ép không nhỏ đối với các trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ. Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse ước tính trong năm nay sẽ có khoảng 8.640 cửa hiệu, cùng với đó là hơn 13,5 triệu mét vuông diện tích các khu mua sắm phải đóng cửa do khó khăn về tài chính, vượt qua cả con số các DN phải đóng cửa trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở thời điểm 5 năm trước. Tác động này cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường lao động của Mỹ, khi ngành bán lẻ đang phải cắt giảm trung bình mỗi tháng 9.000 việc làm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ sự thay đổi thói quen của NTD, khi chuyển từ hình thức mua sắm tại những cửa hàng truyền thống sang hình thức đặt mua trên mạng. Nhiều nhà đầu tư nhận định, xu hướng này sẽ không dừng lại, mà sẽ lan rộng ra mọi khía cạnh trong lĩnh vực thương mại. Thông tin Amazon thâu tóm chuỗi cửa hàng nông sản hữu cơ Whole Foods với mức giá 13,7 tỷ USD vào tháng 6 vừa qua đã tạo nên một cơn địa chấn đối với ngành bán lẻ truyền thống không chỉ tại Mỹ mà còn trên khắp thế giới. Ngay sau đó, những chuỗi siêu thị truyền thống lớn như Walmart và Kroger (Mỹ), Tesco và Sainsbury (Anh), hay Carrerfour và Metro tại các nước châu Âu, vốn tưởng như miễn nhiễm trước làn sóng bán lẻ trực tuyến, thì nay phải chứng kiến giá cổ phiếu đồng loạt giảm từ 5 - 11%. Điều này được lý giải là do các nhà đầu tư đang có suy tính thận trọng hơn, khi Amazon đang mở rộng sang phân khúc kinh doanh thực phẩm trực tuyến.
Theo chuyên gia Trevor Noren, thuộc Trung tâm nghiên cứu 13D, sự thận trọng là dễ hiểu trong bối cảnh Amazon đang cố gắng cách thay đổi thói quen mua sắm thực phẩm tươi sống của NTD, một mặt hàng vốn không hay được mua sắm trên mạng: “Nếu Amazon hay bất cứ một công ty nào đó thành công ở khía cạnh này, đây sẽ là dấu chấm hết cho một trong những lý do chính khiến NTD còn đến các trung tâm mua sắm”.