Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản sắc của vợ... nhạt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự đời lạ lắm. Khi độc thân, anh nào cũng mơ vợ hiền hậu, hy sinh. Đến khi có vợ như thế rồi, nhiều ông lại… thèm sắc sảo.

Ngày còn độc thân, anh rất sợ mấy cô gái mạnh mẽ, sắc sảo. Đàn bà con gái đâu mà cái gì cũng biết, vào cuộc họp mình nói gì chưa đủ ý là họ tấn công liền. Nhiều cô ăn nói tía lia, kể chuyện tiếu lâm “mặn” không thấy ngượng.

Phải chăng vì vậy mà các cô thành đạt, biết trang điểm và ăn mặc hợp mốt, chỉ toàn các anh ở đâu ngù ngờ đến rước, chứ đám nam nhi trong công sở chung công việc hằng ngày không ai dám bén mảng. Bởi đã có tấm gương tày liếp đó rồi: Một anh chàng mới vào công sở, chưa điều tra kỹ, một hôm tỏ tình với cô gái trưởng phòng. Cô này liền đáp lại: “Này, anh có… hâm không đấy?”. Và bật cười, kể liền cho đám bạn. “Cha đó quê thấy mồ, nhà cửa, xe cộ chưa có gì, đến cái xe đi cũng còn cà tàng…”.

Thì ra cô ấy vừa mới “đá” một anh nhà giàu có, chỉ vì không khéo léo chiều chuộng đón đưa, lại còn ghen bóng ghen gió. Cô còn bay nhảy, đồng ý tìm hiểu không có nghĩa là đuổi sạch bạn trai. Đó là quyền của phụ nữ hiện đại. Chưa gì đã muốn độc quyền, bỏ tù rồi, thế thì cô cho anh ta… nghỉ khẩn trương! Đó, câu chuyện ấy khiến đám trai trong công sở hết vía. Rồi bao nhiêu câu chuyện đùa tếu, giai thoại thêu dệt tới cả mấy tháng trời.

Vì thế, anh rất sợ và tránh các cô gái quá sắc sảo, hiện đại. Tất cả đàn ông độc thân như anh đều giống nhau hay sao ấy - ai cũng ao ước sao tìm được cô nào hiền hậu dịu dàng, ít nói. Mà con gái bây giờ cô nào cũng mê mẩn “cá tính”. Họ nói, cứ xem các cuộc thi hoa hậu thì rõ, cô nào chẳng xinh đẹp! Tuyển trong cả nước mới ra một người, lại còn kỹ nghệ trang điểm, ăn mặc cao cấp, bao đội quân tinh nhuệ chuyên nghiệp vắt óc tìm cách trang trí cho cô - bộ mặt quốc gia. Nào đầm dạ hội, nào trang phục tự chọn, đặc sắc dân tộc… nhìn cứ hoa cả mắt. Thế mà lên sân khấu vẫn không thể thắng nổi thiên hạ. Hóa ra là đâu chỉ xinh đẹp, còn phải sắc sảo trí tuệ, có cá tính nữa. Thành ra bây giờ các cô gái luôn miệng nói tự tin chiến thắng và sống rất cá tính từ ngay khi còn ở gia đình. Các cô có căn phòng riêng bừa bộn, ngủ không biết giờ nào mới dậy, có khi mẹ ở nhà dưới phải gọi điện lên lầu mãi mới thấy cô xuống, chẳng thèm ăn những thứ mẹ nấu, xách túi đi luôn với mùi nước hoa đắt tiền vương lại.

Sự đời lạ lắm. Khi độc thân, anh nào cũng mơ vợ hiền hậu, hy sinh. Đến khi có vợ như thế rồi, nhiều ông lại… thèm sắc sảo. Lý do là: cuộc đời đâu phải chỉ có đi đi về về như cái máy giữa công sở và nhà. Cuộc đời cũng không bình an. Khi thì sóng gió công việc, rắc rối cách làm ăn, lo lắng, khi thì khó khăn trong việc nội bộ. Mệt mỏi, cần chia sẻ thì bà xã hiền lành chỉ biết cố thủ ở gia đình, lo con cái, nội trợ.

Còn các cô ở công sở thì hấp dẫn xinh đẹp, lại lắm mưu mẹo cố vấn sát cánh cùng chiến đấu. Đối với sếp, các cô ấy khéo chiều ý từng chút. Phòng làm việc có hoa, có nước uống, các báo cáo sếp cần, mỗi khi sếp đi đâu hay tiếp khách, mọi việc đều chuẩn bị sẵn sàng. Chỉ có từ hài lòng trở nên! Bây giờ mới thấy vợ hiền là… vợ nhạt!

Nhưng nhiều ông đến lúc sa cơ, mới thấy vợ nhạt của mình mới thực sự là người gắn bó. Nhiều cô vợ mọi ngày “nhạt” bỗng nghĩ ra và hành động nhiều điều hữu hiệu, thực tế lạ thường. Còn các cô bồ xinh đẹp sành điệu thì biến mất. Ngay khi sếp sắp hết chức, là thấy bộ mặt thật của các cô liền!

Thấm đòn rồi, mới ngộ ra mình nông cạn thật. Cả một nền triết học Phương đông, Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo đều liên tục nuôi dưỡng mô típ về cái nhạt - thứ mà mỹ học phương Tây hoàn toàn quay lưng. Những nhà thơ cổ cũng nói cái nhạt là cái chối bỏ mọi đặc trưng hóa, cái nhạt chứa vị đậm đà nhất.

Thế mà thiên hạ vẫn chạy theo các tính cách sắc sảo và làm mất dần đi sự hiền hậu. Chịu đựng hy sinh trở thành xưa cũ, lạc hậu. Không biết “vận dụng triết học” thế này có khiên cưỡng không, nhưng hình như các anh chàng đàn ông vẫn còn hiểu lầm về các cô… vợ nhạt, vợ hiền. Họ nhìn như sự nhạt nhẽo không bản sắc. Trong khi đó bản sắc của các cô vợ đó lại chính là sự bền vững nhất.