Xử phạt tài xế xe cứu thương "đi bão" vi phạm nồng độ cồn kịch khung
Ngày 6/1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, sau khi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan tại chung kết ASEAN Cup 2024 kết thúc, tại đường Nghiêm Xuân Yêm, quận Hoàng Mai, Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 14 phát hiện xe ô tô BKS 30E - 741.xx, dán biểu tượng xe cứu thương và gắn thiết bị phát tín hiệu ưu tiên, nhưng không chở bệnh nhân mà lại chở cổ động viên đi cổ vũ bóng đá. Các cổ động viên mở cửa xe giăng cờ và hò reo.
Lực lượng chức năng đã tiến hành dừng xe để kiểm tra và phát hiện hàng loạt vi phạm nghiêm trọng. Người điều khiển phương tiện là anh L.T.H (SN 1991; trú tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).
Làm việc với cảnh sát giao thông, anh L.T.H không xuất trình được giấy phép lái xe, đăng ký xe, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn hơn một tháng. Đặc biệt, kết quả đo nồng độ cồn anh H phát hiện vi phạm cồn ở mức 0,514 miligram/lít khí thở, vượt ngưỡng tối đa 0,4 miligram/lít khí thở theo quy định.
Cảnh sát giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính anh L.T.H với các hành vi vi phạm, bao gồm: Sử dụng thiết bị ưu tiên không đúng mục đích, điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn vượt quá mức kịch khung, không có giấy phép lái xe và các giấy tờ liên quan. Tổng mức phạt hành chính đối với các lỗi này lên tới hơn 64 triệu đồng. Chiếc xe cũng bị tạm giữ để tiếp tục điều tra, xử lý.
Phát hiện 14 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thực hiện cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và cao điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân 2025, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã phối hợp cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ 14 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, ngày 3/1/2025, tổ công tác kiểm tra cơ sở kinh doanh tại thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Quá trình kiểm tra đoàn công tác phát hiện và thu giữ 14 tấn hàng hóa là thực phẩm (xúc xích các loại, thịt bò khô, bánh kẹo) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, không qua kiểm định an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là các mặt hàng thường được bày bán tại các khu vực cổng trường học.
Các đối tượng khai nhận mua số xúc xích này tại Lạng Sơn, không có nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì có chữ tiếng Trung Quốc mang về Hà Nội và các tỉnh lân cận để tiêu thụ, cung cấp cho nhiều cơ sở kinh doanh bán lẻ.
Tạm giữ hình sự đối tượng chống đối người thi hành công vụ
Theo điều tra, sau khi kết thúc trận bóng đá giữa đội tuyển Quốc gia Việt Nam và đội tuyển quốc gia Thái Lan (tối 2/1/2025), Tổ công tác Y18A - 141H của Công an quận Hà Đông triển khai công tác tuần tra, kiểm soát tại khu vực ngã tư Quang Trung - Phùng Hưng (Cầu Trắng) thuộc phường Văn Quán, Hà Đông.
Đến khoảng 22 giờ 37 cùng ngày, Tổ công tác phát hiện đối tượng Hồ Xuân Sinh điều khiển xe mô tô Exciter BKS: 89F1 - 496.40, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, biểu hiện ngổ ngáo, di chuyển trên đường Quang Trung hướng về quận Thanh Xuân và đã triển khai chặn, bắt đối tượng.
Lúc này, mặc dù đèn tín hiệu giao thông đã báo đỏ và nhìn thấy lực lượng công an đang làm nhiệm vụ nhưng do không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm nên Hồ Xuân Sinh (quê quán huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, tạm trú tại: phường Dương Nội, quận Hà Đông) cố tình tăng ga bỏ chạy và đâm thẳng vào trung tá Lê Hoàng Anh, cán bộ Công an quận Hà Đông, thành viên Tổ công tác Y18A-141H. Sau đó, Sinh tiếp tục tăng ga, phóng xe bỏ chạy. Trung tá Lê Hoàng Anh bị gãy chân trái và được đưa vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị.
Trong vòng 48 giờ, Công an quận Hà Đông đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ truy xét, làm rõ và bắt giữ đối tượng.
Khởi tố đối tượng bán 30 cá thể rùa quý hiếm
Ngày 5/1, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với H.Q.N (SN 2005; ở thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý.
Trước đó, qua công tác trinh sát, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Tây Hồ kiểm tra phát hiện H.Q.N đang vận chuyển 30 cá thể rùa còn sống đi bán tại khu vực ngõ 15 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng. Người này khai nhận, đó là 30 cá thể rùa sao đêm, không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam giám định, kết luận 30 cá thể rùa của N là rùa nước ngọt đốm đen, tên khoa học là Geoclemys hamiltonii, thuộc lớp bò sát (Reptilia) có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Phát giác người nước ngoài hoạt động khám chữa bệnh chui
Chiều 5/1, Công an TP Hà Nội thông tin, Cơ quan An ninh điều tra vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thảo (SN 1996, ở Lào Cai) và Lin Kai Yuan (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc) về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; khởi tố bị can đối với Dương Thị Như Hồng (SN 2000, ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) về tội sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Trước đó, thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, qua công tác nắm tình hình trên lĩnh vực y tế, lực lượng chức năng phát hiện Phòng khám Đa khoa Bách Giai thuộc Công ty TNHH Thiết bị y tế Hải Cát, có địa chỉ tại số 813-815 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh và hoạt động phức tạp liên quan đến người nước ngoài.
Qua kiểm tra phát hiện từ tầng 1 đến tầng 3 của phòng khám được cấp phép hoạt động nhưng không có bác sĩ, không cung cấp được các giấy tờ, hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của phòng khám. Tầng 5 không được cấp phép hoạt động nhưng vẫn có hoạt động khám, chữa bệnh, tiêm truyền cho bệnh nhân.
Đáng chú ý, tại tầng 8 của tòa nhà có 4 người nước ngoài đều mang quốc tịch Trung Quốc. Trong đó, đối tượng Xu Hong Chuang không có giấy phép lao động, 3 trường hợp còn lại có giấy phép lao động với chức danh kỹ thuật viên bảo dưỡng thiết bị y tế làm việc tại Công ty TNHH Thiết bị y tế Hải Cát.
Tại tầng 5, tầng 7 và tầng 9 của tòa nhà có khoảng 2.000 lọ thuốc được dán nhãn mác chữ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc xuất xứ; một số vỏ hộp thuốc Vinluta 600mg của Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc sản xuất. Nhiều miếng dán nhãn mác tên Viluta của Công ty Dược phẩm Vĩnh Phúc và Avigly chưa được sử dụng để dùng dán vào các lọ thuốc không rõ nguồn gốc. Một số loại thuốc được bóc nhãn cũ và dán nhãn mới. Nhiều bao bì, vỏ thuốc đã được sử dụng. Nhiều loại máy móc, thiết bị y tế (máy lọc máu Ozon, máy chiếu sáng cao tần, siêu âm, xét nghiệm...) dùng để phục vụ khám, chữa bệnh và sang chiết dược liệu không có xuất xứ; nhiều loại dược liệu không rõ nguồn gốc và các túi thuốc đông y đã được sắc.
Quá trình điều tra xác định, Vũ Thị Thảo là chủ sở hữu và người đại diện theo pháp luật nhưng thực tế các đối tượng người Trung Quốc mới là người đầu tư mở công ty, phòng khám. Doanh thu hằng tháng của công ty, phòng khám hàng tỷ đồng nhưng không khớp số liệu báo cáo tài chính.
Phía Công ty Dược phẩm Vĩnh Phúc cũng khẳng định không bán hàng cho Phòng khám Đa khoa Bách Giai. Viluta là thuốc giả, không phải thuốc do Công ty Dược phẩm Vĩnh Phúc sản xuất.
Hiện vụ việc tiếp tục được điều tra, làm rõ.