KTĐT - Trời Hà Nội trở lạnh, nhiều người lại rủ nhau tìm đến những hàng bánh đúc nóng để thưởng thức vị thơm của hành, vị nồng đượm của hạt tiêu… để thấy nhớ, thấy yêu hơn một món ăn giản đơn, nhưng không tẻ nhạt.
Có thể nói, bánh đúc là một món quà dân dã và rẻ trong số các loại quà. Tuy nhiên, công sức bỏ ra để làm được một tấm bánh đúc lại không đơn giản.
Có rất nhiều cách làm bánh đúc nhưng cơ bản khi làm bánh đúc phải trải qua ba công đoạn: Ngâm gạo với nước vôi trong hoặc nước tro, chuẩn bị bột và đun bánh. Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất vẫn là khâu quấy bánh sao cho bột không bị vón, không khê, không sát nồi, phải quấy thật đều tay. Từ thức quà quê đơn giản ấy, người Hà Nội đã biến tấu thành rất nhiều món khác nhau.
Từ bánh đúc lạc, bánh đúc thịt băm, bánh đúc chấm tương, bánh đúc hành mỡ, bánh đúc riêu cua… Nếu bánh đúc chấm tương thể hiện rõ nhất cái nét chân quê mộc mạc, bánh đúc nóng dường như lại là một nét "biến tấu" được yêu thích đặc biệt. Nhiều người vẫn hay nhắc đến bánh đúc nóng ở phố Lê Ngọc Hân, ngõ Xã Đàn hoặc chợ Đồng Xuân…
Bát bánh đúc có thêm vài cọng rau mùi ta, một nhúm lạc rang giòn, giã nhỏ, chút hành khô phi cháy cạnh trộn lẫn nước chan sóng sánh, thế đã đủ để bạn thòm thèm mỗi khi những cơn gió mùa bất chợt ùa về.
Hương thơm hòa lẫn vị ngọt ngào, bùi, thơm đặc trưng của món bánh đúc ấy giúp người ta xua đi cảm giác lạnh lẽo, khô hanh nơi phố phường.Giới trẻ bây giờ còn hay nhắc đến bánh đúc nộm trên các con phố Khâm Thiên, Hàng Bạc, Hàng Cót, Mã Mây.
Món bánh đúc nộm bắt mắt ngay từ màu sắc, giá chần điểm thêm rau sống, lạc và ớt tươi. Cái hồn của món bánh đúc nộm đặc biệt ở nước canh, thứ nước được làm từ nước cốt lạc vừng tạo nên độ béo ngậy mà không ngán. Có người còn cho rằng, bánh đúc nộm là món quà đậm chất bình dân của Hà Nội bởi thường được bán rong khắp các ngõ ngách phố phường, hòa vào dòng ẩm thực phong phú và nhiều hương vị ngày đông.