Tuy nhiên đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ... xuất hiện tràn lan khiến người tiêu dùng lo lắng.
Hàng nội hút kháchGhi nhận tại các siêu thị, chợ trên địa bàn Hà Nội, năm nay, bánh kẹo “Made in Vietnam” đã được người tiêu dùng đón nhận bởi chất lượng không thua kém hàng ngoại, giá cả cạnh tranh. Tại các siêu thị như Big C, Lotte Mart, Aeon Mall, Vinmart…, bánh kẹo nội chiếm 80 - 90% cơ cấu ngành hàng bánh kẹo phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Thực tế cho thấy, để cạnh tranh với sản phẩm bánh kẹo ngoại nhập bán trên thị trường, các DN Việt Nam đã có bước chuyển biến trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt quan tâm đến yếu tố truyền thống, qua đó bảo tồn, lưu giữ hương vị Tết cổ truyền. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn cho biết: Để cạnh tranh với hàng ngoại, DN chú trọng đầu tư cải tiến thiết kế, bao bì và luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, đồng thời đưa nông sản Việt như dừa, hạt điều vào sản xuất bánh kẹo, tạo đặc trưng sản phẩm Việt mà hàng ngoại không thể có. Năm nay, Công ty CP Bibica cũng đưa ra thị trường dòng bánh kẹo Tết truyền thống với bao bì sang trọng, được nhiều khách hàng lựa chọn. Điều đáng ghi nhận là bánh kẹo nội có giá bán thấp hơn hàng nhập khẩu từ 30 - 50%, đây được xem là sự bứt phá của các DN sản xuất bánh kẹo trong nước trong cuộc “so găng” với hàng nhập ngoại. Hàng trôi nổi vẫn "làm loạn" thị trường Khảo sát tại chợ Đồng Xuân hay những cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Buồm, dễ dàng nhận thấy các loại bánh, mứt, kẹo… không rõ nguồn gốc được bày bán. Thậm chí, một số loại bánh không có nhãn mác cũng được bày bán theo cân với giá dao động từ 20.000 - 50.000 đồng/kg, các loại kẹo dẻo, rau câu có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, kẹo đậu phộng từ 60.000 - 80.000 đồng/kg… Một số nơi còn bày bán hàng kém chất lượng với tên gọi na ná với thương hiệu nổi tiếng như: Custard (nhái Custas), Oseo (nhái Oreo), Damisa (nhái Danisa), Tippo (nhái Tipo)...Từ tháng 12/2018 đến nay, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, lưu trữ bánh kẹo giả, nhập lậu. Tuy nhiên, bánh kẹo nhập lậu, nhái nhãn mác vẫn tràn lan trên thị trường Hà Nội. Về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: Có tình trạng như vậy là bởi chế tài xử lý đối tượng mua bán, vận chuyển thiếu sức răn đe, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, hành vi vận chuyển bánh kẹo nhập lậu chỉ bị xử phạt tối đa 10 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung tịch thu, tiêu hủy hàng hóa. Nếu muốn xử lý phạt vi phạm về VSATTP, lực lượng chức năng buộc phải lấy các mẫu bánh kẹo nghi vấn, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để kiểm nghiệm. Thế nhưng kinh phí phân tích mẫu rất đắt, trong khi kinh phí hoạt động của các đơn vị này không nhiều. Ngoài ra, hệ thống máy móc ở nhiều trung tâm xét nghiệm cũ kỹ, không nhận biết triệt để các thành phần độc tố, chất phụ gia cấm sử dụng.Có thể thấy, những khó khăn, bất cập trong chế tài xử lý đã gây khó khăn cho lực lượng QLTT trong việc ngăn chặn sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ bánh kẹo giả, nhập lậu. Để giải quyết triệt để thực trạng này, Bộ Công Thương cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP theo hướng tăng nặng chế tài xử lý đối với các đối tượng có hành vi liên quan.