Bánh kẹo Việt lấy lại vị thế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn gần một tháng nữa là đến Tết Mậu Tuất, nhưng thị trường bánh kẹo đã rất sôi động.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, bánh kẹo “Made in Vietnam” năm nay với mẫu mã bắt mắt đang dần lấy lại vị thế.
Hàng nội chiếm lĩnh các siêu thị

Ghi nhận tại các siêu thị, chợ trên địa bàn Hà Nội, năm nay, bánh kẹo “Made in Vietnam” đã được người tiêu dùng (NTD) đón nhận bởi chất lượng và giá cả ngày càng cạnh tranh. Tại hệ thống siêu thị Big C, Fivimart, Co.opmart, VinMart... trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, các đơn vị đã đẩy mạnh việc quảng bá bánh kẹo Việt thông qua việc trưng bày theo những khu vực riêng, giá bán hợp lý. Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C Hồ Quốc Nguyên cho biết: “Hiện nay, siêu thị đã trưng bày khoảng 500 loại bánh kẹo phục vụ nhu cầu Tết (tăng 30% so với Tết năm ngoái), trong đó có khoảng 200 mẫu mã mới. Đặc biệt, có đến 95% sản phẩm bánh kẹo được cung cấp từ các DN, thương hiệu uy tín trong nước, trong đó có 130 tấn các loại mứt, kẹo truyền thống.

Sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Nguyên đán 2018 tại Công ty Bánh kẹo Hữu Nghị. Ảnh: Hoài Nam

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Vinmart tiếp tục ưu tiên sử dụng các loại bánh, kẹo nội trong các giỏ quà Tết của mình. Lý giải về điều này, đại diện hệ thống siêu thị Vinmart cho biết, các DN Việt đã có sự bứt phá trong việc nâng chất lượng sản phẩm như đa dạng chủng loại, bao bì... Đặc biệt, bánh kẹo nội năm nay được chế biến từ nông sản, qua đó bảo tồn, lưu giữ hương vị Tết cổ truyền

Thực tế cho thấy, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, các DN sản xuất đã đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt. Đặc biệt, dòng sản phẩm dùng làm quà biếu, tặng được các DN Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị... đầu tư mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm nên không thua kém các nhãn hàng nhập khẩu từ châu Âu. Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Hữu Nghị Trịnh Trung Hiếu cho biết: Để có được những mẫu mã tạo được sự quan tâm của NTD, DN đã thuê chuyên gia nước ngoài thiết kế bao bì để không thua kém hàng ngoại nhập, nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa Việt Nam.

Điều đáng ghi nhận, mặc dù không thua kém về chất lượng nhưng bánh kẹo nội có giá bán thấp hơn hàng nhập khẩu. Hiện, bánh kẹo ngoại do Indonesia, Thái Lan, Malaysia sản xuất có giá bán từ 200.000 - 400.000 đồng/sản phẩm, trong khi bánh kẹo Việt Nam chủ yếu có mức giá dưới 100.000 đồng/sản phẩm, loại cao cấp giá bán cũng chỉ 200.000 đồng/sản phẩm. Đây có thể được xem là một sự bứt phá của các DN sản xuất bánh kẹo trong nước trong cuộc “so găng” với hàng nhập ngoại.

Chưa tạo được sức áp đảo tại chợ truyền thống

Dù lấn át hàng ngoại tại các siêu thị, song bánh kẹo Việt lại chưa tạo được sức áp đảo ở hệ thống chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ, tạp hóa... Tại các cửa hàng kinh doanh bánh kẹo trên phố Hàng Buồm, Ngõ Gạch (quận Hoàn Kiếm), hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia đang xuất hiện dày đặc. Một chủ cửa hàng trên phố Hàng Buồm cho biết, từ cách đây gần một tháng, số lượng bánh kẹo bán ra đã bắt đầu tăng so với ngày thường, trong đó hàng ngoại được tiêu thụ nhiều hơn hẳn do mẫu mã bắt mắt, đa dạng về khẩu vị, tạo cảm giác mới mẻ cho người sử dụng.

Thực tế cho thấy, các cửa hàng bán lẻ không chỉ bày bán bánh kẹo nhập khẩu mà còn bán các loại hoa quả sấy nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia với mức giá khá cao. Cụ thể, mứt xoài với giá 550.000 đồng/kg, mứt vỏ bưởi 650.000 đồng/kg, mứt chanh vàng 500.000 đồng/kg… Theo các chủ cửa hàng, do có hương vị đặc biệt, khá bắt mắt và phù hợp với khẩu vị của người Việt nên các loại hoa quả sấy khô nhập khẩu được nhiều người lựa chọn.

Tuy DN sản xuất bánh kẹo Việt đã đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập ở phân khúc tiêu dùng cao cấp trong khi phân khúc bình dân khá rộng lớn lại chưa đủ sức cạnh tranh. Điều đó cho thấy để chiếm lĩnh thị trường, đòi hỏi các DN trong nước cần những chiến lược căn cơ hơn để phát huy lợi thế của mình, từ đó khai thác thị trường rộng lớn này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần