Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của EIU về xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam rất chung chung và không chính xác

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/1, tại buổi cung cấp thông tin về công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em của Việt Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) Đặng Hoa Nam khẳng định: Hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unite (EIU) công bố xếp hạng Việt Nam đứng vị trí 37 trên tổng số 40 nước chống xâm hại tình dục trẻ em là rất chung chung và chưa chính xác.

Ông Đặng Hoa Nam thông tin tại buổi họp báo

Người đứng đầu Cục Trẻ em đánh giá, một số tiêu chí thu thập dữ liệu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, sự tham gia của truyền thông trong việc phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em của Việt Nam được các chuyên gia chấm 0/100 điểm là không chính xác.
“EIU chỉ công bố kết quả báo cáo trên mạng chứ không gửi thông tin chính thức đến bất kỳ một cơ quan tổ chức nào. Kết quả đánh giá của họ rất chung chung, không nêu rõ thời gian cập nhật thông tin số liệu, phương pháp tính toán, trọng số. Chúng tôi đang cân nhắc việc có hay không gửi thông tin phản hồi chính thức đến tổ chức này. Nếu có gửi, chúng tôi yêu cầu họ phải công khai minh bạch nguồn thông tin dữ liệu, phương pháp tính toán để người được đánh giá sẽ biết hạn chế cái gì” - ông Đặng Hoa Nam cho hay.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, tất cả các số liệu về phòng chống xâm hại trẻ em của Việt Nam đều được cập nhật đến năm 2018 để có đánh giá. Không những thế, trong những năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Điều này thể hiện rõ nhất ở việc Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em 2016 ghi nhận toàn bộ quyền công dân, quyền con người của trẻ em được Hiến pháp năm 2013 quy định. Trong Luật Trẻ em 2016 đã quy định quyền trẻ em, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức bảo vệ và đảm bảo quyền trẻ em. Đặc biệt, là luật hóa, nội lực hóa tất cả các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em.
Trẻ em được trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục
Đến năm 2017 - khi Luật Trẻ em bắt đầu có hiệu lực, một Ủy ban quốc gia về quyền trẻ em được thành lập do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối trực tiếp những vấn đề về trẻ em cần sự tham gia của các bộ, ngành, tổ chức.
Việt Nam cũng đã công bố tổng đài quốc gia 111 - cho tất cả người dân gọi đến để thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác về tình trạng xâm hại trẻ em. “Ngoài là kênh giao tiếp giữa giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân và trẻ em, phía sau tổng đài quốc gia là hàng loạt các quy trình như phối hợp với công an, UBND cấp xã, phường để xác minh, cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đó là một trong những tiến bộ đáng ghi nhận”, ông Nam khẳng định.
Không chỉ thế, hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ cho trẻ em cũng được xốc lại. Các bộ, trong đó có Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở cung cấp dịch vụ về trẻ em để hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, quy định của pháp luật để bảo vệ trẻ em.
Trước đó, ngày 16/1, Economist Intelligence Unite (EIU) - hãng nghiên cứu thuộc Econnomist Group - Công ty truyền thông sở hữu tạp chí The Economist công bố báo cáo mang tên Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse (tạm dịch: Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em), được thực hiện tại 40 quốc gia. Theo báo cáo, Việt Nam đạt 42,9 điểm trên thang điểm 100, đứng sau tất cả các nước cùng khu vực được khảo sát (Philippines vị trí 16, Malaysia thứ 20, Campuchia vị trí 23, Indonesia đứng thứ 32, Trung Quốc 36).
Báo cáo của EIU được thực hiện dựa trên 4 tiêu chí: Môi trường mà việc xâm hại xảy ra cũng như được biết đến; mức độ bảo vệ mà khung pháp lý của một nước có để đối phó với vấn đề; cam kết và khả năng của chính phủ trong việc trang bị cho các thể chế, nhân sự chống lại nạn xâm hại; sự tham gia của các ngành nghề, xã hội dân sự và truyền thông.
Điều đáng nói, EIU chấm điểm thành phần về môi trường của Việt Nam là 59, hành lang pháp lý 56 điểm, cam kết và khả năng chủa chính phủ đạt 38 điểm; sự tham gia của các ngành nghề truyền thông đạt 17 điểm. Tổ chức này chấm Việt Nam 0 điểm trong việc thu thập thông tin về nạn xâm hại trẻ em; không có cơ quan riêng để thi hành luật về chống xâm hại, chương trình hỗ trợ dành cho đối tượng xâm hại, sự tham gia của giới truyền thông.