Nhắc lại quy trình khi ban hành một văn bản pháp luật, ông Ánh cho rằng, nội dung quan trọng là phải có đánh giá tác động. “Một Luật thuế quan trọng như thuế GTGT lại càng phải đánh giá tác động kỹ càng hơn. Đó là những đánh giá tác động của đề xuất tới sản xuất, kinh doanh, xã hội, tới lạm phát, quy mô ngân sách hay tác động tới từng nhóm dân cư, nhóm thu nhập,…”- TS Ánh nhấn mạnh. Chỉ khi trả lời được những câu hỏi này thì người dân mới biết lý do tại sao phải điều chỉnh thuế, liệu có phương án khác không và lộ trình nên như thế nào.
Cũng theo vị chuyên gia này, chính sách thuế có nhiều cách chứ không chỉ điều chỉnh thuế suất, nhất là với sắc thuế rộng như VAT. Lựa chọn đầu tiên là mở rộng đối tượng chịu thuế. Tăng thuế suất là lựa chọn cuối cùng”, ông Vũ Đình Ánh nói và cho rằng, cần để ý các sắc thuế khác chứ không nên chỉ VAT.
Trước đó, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế- Bộ Tài chính Phạm Đình Thi cho biết, về nguyên tắc tại thời điểm trình báo cáo lên Chính phủ và Bộ Chính trị đã bao gồm cả báo cáo đánh giá tác động. Còn việc công bố với báo chí và người dân sẽ chọn thời điểm thích hợp.
Cũng tại buổi tọa đàm ngày 12/9, Trưởng ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Lê Thị Mai Liên thừa nhận, tăng thuế VAT có thể ảnh hưởng giá bán hàng hóa dịch vụ, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng nhưng mức độ ra sao thì theo bà cần xem xét.
Theo Dự thảo sửa đổi 5 Luật thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng theo một trong hai phương án: Một là tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Hai là tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Bộ Tài chính thiên về đề xuất theo phương án 1.