Kinhtedothi - Qua 89 năm xây dựng và trưởng thành, vị thế và vai trò của nền báo chí Cách mạng nước nhà ngày càng được khẳng định qua những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư đã dành cho phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cuộc trao đổi xung quanh vấn đề về "sức mạnh mềm" của báo chí.
Xin ông đánh giá khái quát về những thành tựu mà Báo chí Cách mạng Việt Nam đã đạt được trong 89 năm xây dựng và trưởng thành?
- Trước tiên, tôi xin nhấn mạnh, nền báo chí Cách mạng Việt Nam trong những năm qua đã đạt được sự phát triển vượt bậc, số lượng, loại hình, ấn phẩm; đội ngũ những người làm báo, số lượng công chúng; cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính cũng như sự tác động và ảnh hưởng xã hội tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông đều tăng nhanh. Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ T.Ư đến địa phương, các giai cấp, giai tầng, các hội nghề nghiệp, các giới, các tôn giáo lớn, các thành phần trong xã hội đều có tờ báo của mình. Đến nay, cả nước có gần 900 cơ quan báo in với hơn 1.000 ấn phẩm; toàn quốc có gần 70 đài phát thanh - truyền hình T.Ư và địa phương, trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có gần 1.200 trang thông tin điện tử tổng hợp... Rõ ràng, sự lớn mạnh của đội ngũ những người làm báo, sự phát triển về số lượng và chất lượng của hệ thống cơ quan báo chí cho thấy nền báo chí Cách mạng Việt Nam đã có sự trưởng thành vượt bậc.
Các phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại “điểm nóng” Hoàng Sa. Ảnh: Quỳnh Hợp
Tuy nhiên, báo chí nước nhà vẫn còn nhiều bất cập như việc khai thác và công bố thông tin mà không kiểm chứng, xác minh rõ nguồn gốc đã trở thành một xu hướng đáng quan ngại xuất hiện trên một số tờ báo ở Việt Nam, nhất là báo điện tử và trang điện tử. Xu hướng này không chỉ làm sai nhiễu sự thật mà một số trường hợp còn gây tổn hại tới uy tín, hình ảnh của cá nhân, tổ chức liên quan, nhất là tới quan hệ quốc tế. Theo tôi, đã đến lúc các cơ quan báo chí, những cá nhân tham gia hoạt động trên internet phải có trách nhiệm "xử lý" tin đồn trước khi đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Thành tựu mà báo chí đã đạt được là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, báo chí đã hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm được giao phó chưa, thưa ông?
- Báo chí Cách mạng Việt Nam ngoài việc thực hiện những chức năng và nhiệm vụ chung của mình còn có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt chặng đường 89 năm xây dựng và trưởng thành. Báo chí luôn chủ động vào cuộc, góp phần truyền dẫn, giải thích, phân tích, giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội hiểu đúng, hiểu sâu hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Với vai trò phản ánh và tham gia phản biện xã hội, báo chí trở thành kênh quan trọng để các cơ quan chức năng tham khảo nhằm bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sao cho sát hợp hơn cuộc sống Nhân dân. Cùng với việc phát hiện, biểu dương nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, báo chí đã tích cực tham gia đấu tranh có hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn xã hội, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, báo chí đã góp phần quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam; tăng cường hữu nghị và hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển với các nước. Ngoài vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, báo chí còn là diễn đàn và công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của các tầng lớp Nhân dân.
Đặc biệt, trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vừa qua, báo chí đã trở thành lực lượng nòng cốt, quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm, các thông tin sai trái, vu khống, góp phần quan trọng trong đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của đất nước bằng biện pháp hòa bình. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều phóng viên đã bất chấp nguy hiểm, vượt qua những khó khăn thử thách để tới Biển Đông đưa những hình ảnh, thông tin sinh động nhất về tình hình đấu tranh trên thực địa. Mỗi bài báo khi viết về Hoàng Sa, Trường Sa đã thể hiện được những cảm xúc chân thành nhất của phóng viên nên đã giúp người dân thêm đoàn kết, đồng lòng cùng Chính phủ trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Rõ ràng, báo chí đã thể hiện rất rõ vai trò "tổ chức tập thể" hay chúng ta vẫn gọi là "sức mạnh mềm" khi khơi gợi được lòng yêu nước của cả dân tộc.
Rõ ràng, báo chí đã thể hiện rất rõ vai trò là công cụ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Vậy, để phát huy “sức mạnh mềm” của báo chí cần có giải pháp gì, thưa ông?
- Theo tôi, mỗi tin, mỗi bài khi đã được đăng tải trên các cơ quan báo chí, trên các phương tiện truyền thông, dù theo thể loại, đề tài gì thì cũng phải gắn với thiện chí, ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng. Để báo chí luôn là "người" định hướng đúng đắn, tin cậy thì thông tin chính xác là một trong các nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ. Vì thế, tính chính xác của thông tin luôn luôn phải được bảo đảm là yêu cầu hàng đầu trong quá trình tác nghiệp của mỗi phóng viên, mỗi tòa soạn. Những người làm báo phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ làm báo mới mà còn phải có phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin. Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo, phải vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của người dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước cùng với bản lĩnh Báo chí Cách mạng, tinh thần năng động sáng tạo của những nhà báo trong sáng, kiên định, dũng cảm, báo chí nhất định sẽ tìm được phương hướng hoạt động hiệu quả, hoàn thành sứ mệnh chính trị của mình. Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin chúc tất cả các nhà báo luôn giữ được nguyên vẹn sự đam mê nghề nghiệp cùng nghĩa vụ và trách nhiệm công dân của một nhà báo lớn trước đất nước và xã hội.
Xin cảm ơn ông!