Nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững
Chia sẻ tại “Diễn đàn Báo chí và DN đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức chiều 25/7, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, trên hành trình thực hiện mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển phồn vinh, chúng ta không chỉ xây dựng một nền kinh tế mạnh mà còn bao gồm phát triển những giá trị văn hóa, đạo đức thấm đậm trong từng hoạt động kinh tế - xã hội.
Để phát triển kinh tế, chúng ta cần có đội quân chủ lực là các doanh nhân, DN. Để xây dựng văn hóa, báo chí là lực lượng quan trọng, có vai trò định hướng dư luận và lan tỏa xã hội. Theo ông Phạm Tấn Công, báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh DN đến với người tiêu dùng.
Báo chí vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa phản ánh tình hình, hỗ trợ DN phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh. Một bài báo có thể thúc đẩy thành công của DN, lan tỏa khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội. Nhưng một bài báo cũng có thể làm tiêu tan một thương hiệu, một DN.
Ở chiều ngược lại, DN vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, là nguồn lực và khách hàng quan trọng của báo chí. “Sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và DN có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên cũng như trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước. Và để sự hợp tác quan trọng này bền vững, chúng ta cũng cần xây dựng văn hóa hợp tác và thiết lập sự hợp tác trên nền tảng văn hóa” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Dù sự hợp tác giữa báo chí và DN đã ngày càng được đẩy mạnh, nhưng chủ yếu vẫn mang tính tự phát. Thực tế có tình trạng DN sợ, né tránh báo chí. Đại diện cho cộng đồng DN, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập cho biết, bên cạnh những cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích đã được cấp phép thì vẫn còn đó những cơ quan báo chí chưa nghiêm túc theo tôn chỉ, mục đích, gây khó cho DN. Không ít các thông tin được thực hiện còn thiếu sự khách quan, đa chiều, thiếu sự tương tác với DN về các vấn đề được phản ánh, dẫn đến việc DN mất lòng tin vào các cơ quan báo chí.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, mối quan hệ gắn bó hữu cơ, đồng hành cùng nhau giữa báo chí và DN qua nhiều năm tháng luôn là mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, lúc này lúc khác, mối quan hệ giữa một cơ quan báo chí và DN, giữa phóng viên với doanh nhân có một số điều phiền lòng, cả hai bên còn có một số điều cần thực hiện tốt hơn. Nếu DN có văn hóa kinh doanh thì người làm báo và các cơ quan báo chí có văn hóa báo chí. DN có đạo đức kinh doanh, các cơ quan báo chí có đạo đức báo chí.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong muốn trên tinh thần cùng chia sẻ tầm nhìn và mong muốn chung tay lành mạnh hơn nữa mối quan hệ này trên nền tảng văn hóa, đem đến những cơ hội thiết thực cho những lực lượng đại diện cho nguồn lực phát triển của xã hội, đất nước.
Hợp tác để cùng “thắng”
Để tăng cường quan hệ hợp tác và đồng hành giữa DN và báo chí vì mục tiêu phát triển đất nước, Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Lan Anh đề nghị cộng đồng DN, doanh nhân và đội ngũ nhà báo đồng hành trên 5 phương diện.
Cụ thể, hai bên cần cùng nâng cao nhận thức chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng, phát huy vai trò xung kích, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của doanh nhân - người lính thời bình và người làm báo cách mạng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cùng nhau thúc đẩy văn hóa kinh doanh, văn hóa báo chí truyền thông, vun đắp đạo đức doanh nhân.
Bên cạnh việc tôn vinh, lan tỏa cái đẹp, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, bà Lan Anh cho rằng, báo chí và DN cũng cần đồng hành trong việc đấu tranh với những sai trái, vi phạm pháp luật, hành vi tiêu cực của DN, doanh nhân góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, bảo vệ các DN làm ăn chân chính.
Khẳng định mối quan hệ cộng sinh giữa báo chí và DN, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, các cơ quan báo chí luôn mong muốn DN hợp tác, đồng hành và chia sẻ. Ngược lại, DN cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của các cơ quan báo chí, mong muốn đây là cầu nối truyền tải phản ánh, thông điệp của DN một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Trong môi trường truyền thông trước đây, công chúng thụ động tiếp cận thông tin. Còn hiện nay thì ngược lại, môi trường truyền thông phát triển, nhất là mạng xã hội cũng đang khiến các cơ quan báo chí lúng túng, trong đó nguồn thu của báo chí bị ảnh hưởng. Địa hạt kinh tế sụt giảm đã ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan báo chí, ảnh hưởng đến môi trường truyền thông.
Để mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và DN ngày càng hiệu quả, ông Nguyễn Thành Lợi đề xuất 2 nội dung: Thứ nhất, với DN cần minh bạch thông tin là nội dung quan trọng nhất. Chỉ có minh bạch và chủ động cung cấp thông tin thì mới trở về giá trị cốt lõi, tránh tạo dư luận hoang mang. Thứ hai, với cơ quan báo chí, không chính thống hóa thông tin trên mạng xã hội, không để các nguồn tin thiếu kiểm chứng ảnh hưởng đến hoạt động của DN và các cơ quan chức năng.
Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đồng tình cho rằng, mối quan hệ giữa báo chí và DN chưa bao giờ cần thiết và cần thắt chặt như hiện nay. Tuy nhiên, môi trường kinh tế thế giới và môi trường kinh tế Việt Nam đã thay đổi, tạo ra thay đổi rất nhiều tại các cơ quan báo chí.
Báo chí rất cần DN cả ở góc độ thông tin và nguồn thu. Ông Lê Quốc Minh khẳng định, nhiệm vụ của báo chí là kênh thông tin chính xác, xác thực tạo chiều sâu và nêu lên những bất cập của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, DN nên chủ động với cơ quan báo chí, chủ động cung cấp thông tin phối hợp truyền thông chính thống, chính xác thông tin, thay vì né tránh cơ quan báo chí.