Hiện trường vụ cháy xảy ra tại số nhà 47 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) sáng 22/4. Ảnh: Đạt Lê |
Cũng trong sáng 22/4, đã xảy ra vụ cháy tại nhà nghỉ 7 tầng trên địa bàn phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm). Ngọn lửa bùng lên từ khu vực bếp tầng 1 của nhà nghỉ, sau đó, khói, lửa nhanh chóng lan rộng lên các tầng. Cảnh sát đã cứu được 14 người mắc kẹt ở trong nhà nghỉ thoát ra an toàn. Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân của các vụ cháy nêu trên đều xuất phát từ việc sử dụng điện không bảo đảm an toàn.
Theo thống kê của Công an quận Thanh Xuân, từ khi bước vào mùa nắng nóng đến nay, trên địa bàn quận xảy ra 6 vụ chập cháy dây dẫn trên cột điện, trước tình hình đó có thể thấy trong thời gian tới tiềm ẩn và gia tăng nhiều nguy cơ cháy về điện.
Theo khuyến cáo của Công an quận Thanh Xuân, để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ do sự cố điện trong mùa nắng nóng, người dân nên lựa chọn dây dẫn, thiết bị chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, và thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện. Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm hoặc vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để bảo đảm công suất truyền tải của dây dẫn, tránh hiện tượng quá tải gây cháy; thay mới đường dây dẫn điện để bảo đảm công suất tiêu thụ trên mạng điện, khi sử dụng thiết bị điện có công suất lớn, chọn dây dẫn cho phù hợp, dùng bếp từ có dây dẫn điện riêng.
Bên cạnh đó, không nên dùng dây điện trần (không vỏ bọc) để dẫn điện, mà nên dùng dây điện có chất lượng cao về cách điện, luồn dây điện trong những ống luồn chuyên dụng có khả năng chống cháy. Không được tự ý câu, móc, đấu nối dây dẫn điện tùy tiện. Các thiết bị tiêu thụ điện để cách các vật dụng dễ cháy như quần áo, nhựa, giấy, bao bì carton, mút xốp... tối thiểu 50cm. Không nên sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện qua đêm. Thường xuyên và định kỳ tự kiểm tra an toàn PCCC trong phạm vi quản lý; kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các nguy cơ cháy, nổ xảy ra. Ngoài ra, trong quá trình thắp hương phải trông coi ban thờ, để cách xa bát hương với các vật dụng dễ cháy trên ban thờ. Đốt vàng mã đúng nơi quy định, tránh xa nhưng nơi có vật dễ cháy. Trong quá trình đun nấu phải trông coi, tắt bếp khi đi ra khỏi khu vực bếp hoặc đi ra khỏi nhà.
Theo Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân Nguyễn Văn Thắng, khi xảy ra cháy, người dân phải bình tĩnh xử lý, thực hiện cắt điện; báo động, hô hoán thông báo cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết. Gọi điện báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114, hoặc công an xã/phường gần nhất. Cùng đó, sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy; tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn.