Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2016 sáng 24/11.

Thanh toán điện tử trong dịch vụ công
Ông Nguyễn Kim Anh - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương lớn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí trong lĩnh vực thanh toán. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh triển khai tăng cường thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chương trình thúc đẩy thanh toán điện tử trong bán lẻ, triển khai dịch vụ thuế điện tử, thanh toán điện tử trong dịch vụ công trực tuyến... hướng tới mục tiêu mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam.
Ông Nguyễn Đại Trí - Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, nộp thuế điện tử được triển khai từ năm 2014, tập trung ở khối doanh nghiệp với 95% đã đăng ký nộp thuế điện tử qua các ngân hàng thương mại. Doanh thu thực tế từ nộp thuế điện tử tăng từ 55% lên 70% tiền nộp vào ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, thu thuế điện tử dù đạt được nhiều kết quả nhưng còn tồn tại. Đơn cử, doanh nghiệp vẫn có tâm lý thích nộp thuế trực tiếp hơn nộp qua tài khoản và tới sát ngày mới đi nộp thuế.... Do vậy, những thời điểm cao điểm có thể xảy ra chuyện "ách tắc".

Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, sẽ từng bước khắc phục vấn đề này. Ngoài cải tiến hệ thống mạng, Tổng cục Thuế sẽ đẩy mạnh xã hội hóa thu thuế điện tử. Từ tháng 11/2016, Tổng cục Thuế đã bắt đầu thí điểm triển khai thu thuế điện tử cá nhân và sẽ mở rộng vào cuối quý I/2017, đầu quý II/2017.
Với lĩnh vực giao thông, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ GTVT đã tích cực triển khai thu phí giao thông không dừng trên các tuyến quốc lộ, TP.HCM và Hà Nội cũng đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống metro... như sự đột phá về hạ tầng giao thông đô thị.

Thanh toán điện tử trong giao thông kết nối với thanh toán trong ngân hàng sẽ giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Napas cho biết, hiện nay việc hợp tác với các ngành như thuế, GTVT đã triển khai. Ngoài ra, Napas cũng đã có một số doanh nghiệp trong ngành giao thông như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tasco...
Cần chính sách ưu đãi
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với làn sóng Fintech hiện nay được xem là một hướng đi mới và là giải pháp cần đẩy mạnh trong Hạ tầng công nghệ và Internet phát triển đã cho ra đời các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ như Fintech, mang lại cơ hội tiếp cận và trải nghiệm dịch vụ tài chính ngân hàng khác biệt cho mọi đối tượng người dùng mà không bị giới hạn về không gian, thời gian.

Phó thủ tướng cho rằng, với làn sóng Fintech hiện nay được xem là một hướng đi mới và là giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian tới. “Về phía Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án được phê duyệt để thúc đẩy dịch vụ thanh toán điện tử. Gần đây, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định tăng cường năng lực tiếp cận ngân hàng của nền kinh tế... và rất nhiều ứng dụng qua mạng đã được triển khai, đưa đến người dân”.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hiện nay có khoảng 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ và các cơ quan công quyền phải cung cấp cho người dân. Nhưng đến lúc này có chưa đầy 1.200 dịch vụ được cung cấp ở cấp độ 4 (có sử dụng), tức là chưa tới 1%. Đây là một con số rất đáng suy ngẫm.
Phó Thủ tướng cho biết, bên cạnh những dịch vụ mới, bên cạnh dịch vụ ngân hàng truyền thống, việc nhìn nhận cơ hội và thách thức của Fintech đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, bộ, ngành địa phương... đồng thời nhắc nhở: “Đi theo trào lưu công nghệ mới cũng kéo theo nhiều rủi ro tiềm ẩn với cả ngân hàng, khách hàng trong sử dụng dịch vụ... do đó phải tăng cường an ninh an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, thanh toán điện tử nói chung”.
Bà Lại Việt Anh - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương chia sẻ, hiện 7% giao dịch trên thị trường được thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử. Bà Việt Anh cho rằng, ngoài chính sách khuyến khích như miễn, hoàn thuế cho doanh nghiệp sử dụng thanh toán điện tử, thì cần giải pháp thiết thực hơn. Đơn cử, chính doanh nghiệp cung cấp giải pháp trung gian thanh toán, ngân hàng đưa có chính sách ưu đãi với người tiêu dùng khi chấp nhận thanh toán điện tử... "Đây là những động lực, khuyến khích tốt hơn với doanh nghiệp, người tiêu dùng sử dụng thanh toán điện tử", Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử đánh giá.