Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm nguồn cung thực phẩm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tăng trưởng ngành nông nghiệp Thủ đô từ đầu năm 2019 đến nay đã bị ảnh hưởng lớn.

Ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm sớm khống chế dịch bệnh; đồng thời, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.
Tăng trưởng giảm vì dịch tả lợn
Theo số liệu báo cáo tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của ngành NN&PTNT Hà Nội sáng 22/7, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Thủ đô 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,15%, thấp hơn mức tăng 3,29% trong năm 2018. Ngành nông nghiệp cũng chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị sản phẩm toàn TP từ đầu năm.
Nguyên nhân được Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại chỉ ra là bởi sự giảm sút của lĩnh vực chăn nuôi lợn do DTLCP hoành hành. Từ khi xuất hiện hồi tháng 2/2019 tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), đến nay, DTLCP đã lây lan ra 24/24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn, với 28.189 hộ (chiếm khoảng 35% tổng số hộ chăn nuôi) có lợn bị mắc bệnh. Tổng số lợn bị tiêu huỷ do DTLCP đã lên tới trên 491.000 con (chiếm khoảng 27% tổng đàn lợn toàn TP), với trọng lượng lợn bị tiêu hủy trên 34.000 tấn.
 Chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Phạm Hùng
Cùng với ảnh hưởng của DTLCP, ngành trồng trọt sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018 cũng là nguyên nhân tác động tiêu cực đến tăng trưởng của toàn ngành NN&PTNT Hà Nội nửa đầu năm 2019.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do diện tích lúa vụ Xuân 2019 giảm 2.512ha so với vụ Xuân 2018. Diện tích canh tác trên giảm do chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hoá. Bên cạnh đó, diện tích canh tác ngô, lạc, khoai lang cũng giảm trên 1.025ha do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
Đa dạng lĩnh vực sản xuất
Theo nhận định, thời gian tới, DTLCP còn diễn biến phức tạp và kéo dài. Ngành chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục bị thiệt hại nặng nề hơn. Đặc biệt, điều này có thể gây ra nguy cơ thiếu hụt thực phẩm dịp cuối năm. Bởi vậy, một trong những giải pháp được ngành NN&PTNT Hà Nội đặt ra là phát triển đa dạng các lĩnh vực sản xuất nhằm bù đắp lượng thiếu hụt từ thịt lợn và các sản phẩm từ lợn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong công tác phòng, chống DTLCP. Dù mức tăng trưởng giai đoạn đầu năm 2019 chưa đạt kỳ vọng nhưng đó cũng là cố gắng rất đáng khích lệ trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh tác động lớn đến ngành nông nghiệp Thủ đô.
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế DTLCP. Dù đã có hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, tuy nhiên TP chưa khuyến khích chủ trương tái đàn lợn. Thay vào đó, các địa phương cần tập trung phát triển chăn nuôi gia súc lớn (trâu, bò, dê); gia cầm đặc sản (gà Mía Sơn Tây, gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn)… Đồng thời, tiếp tục mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai… Phấn đấu tăng sản lượng các lĩnh vực sản xuất ngoài chăn nuôi lợn để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt trong dịp cuối năm.
Cùng với phát triển đa dạng các lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị các địa phương cố gắng bảo vệ đàn lợn hiện có, nhất là đàn lợn giống ông bà, cụ kỵ, để làm tiền đề cho công tác tái đàn khi dịch bệnh được kiểm soát. Những địa phương giáp ranh không nhập lợn giống, lợn thịt không rõ nguồn gốc về Hà Nội giết mổ. Đồng thời, làm tốt nhóm giải pháp an toàn sinh học để ngăn chặn nguy cơ DTLCP lây lan.

Một điều đáng khích lệ là nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tại hầu hết nhóm lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản từ đầu năm 2019 đến nay đã có sự tăng trưởng tích cực. Cụ thể, tổng đàn bò, gia cầm và diện tích nuôi trồng thủy sản đều tăng với mức tăng lần lượt là 3,7%, 11,5% và 4,08%. Trong khi, sản lượng trứng gia cầm cũng đạt trên 877 triệu quả (tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2018).