Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động cạm bẫy tín dụng “đen”

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Thời gian qua, hoạt động của tội phạm cho vay bằng hình thức tín dụng “đen” trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, gây nhiều bất ổn về an ninh trật tự.

Thủ đoạn của các tổ chức tín dụng “đen” là thuê người đi phát, dán tờ rơi ở những nơi công cộng tập trung đông người với nội dung “Cho vay không tín chấp, nhận tiền ngay” kèm theo địa chỉ, số điện thoại liên hệ. "Khách hàng" mà các đối tượng nhắm đến là một bộ phận sinh viên, tiểu thương ít vốn luân chuyển, các cá nhân ham mê cờ bạc… Khi "khách hàng" đã vay tiền, chưa trả được sẽ trở thành nạn nhân của các tổ chức trái phép này.

Một tờ rơi quảng cáo cho vay tiền ở một ngã tư tại Hà Nội. Ảnh: Đông Phong

Điển hình như, đầu năm 2016, Công an huyện Sóc Sơn đã bắt giữ, khởi tố hình sự nhóm đối tượng trên địa bàn với hành vi “Cướp tài sản”. Nguyên nhân dẫn đến vụ án là do trước đó, anh Nguyễn Ngọc L. (SN 1985, trú tại huyện Sóc Sơn) đến hiệu cầm đồ của nhóm đối tượng làm thủ tục vay 10 triệu đồng, hẹn sau 50 ngày sẽ trả đủ cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, hết hạn cho vay, anh L. không trả được hết nợ. Lấy lý do quá hạn chưa trả tiền nên Dương Văn Hùng (SN 1992, trú tại Sóc Sơn) là nhân viên của hàng cầm đồ đã ép anh L. phải viết giấy vay nợ mới với số tiền 20 triệu đồng, lãi suất 50.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (theo giấy vay nợ 20 triệu đồng, anh L. phải trả hiệu cầm đồ 1 triệu đồng/ngày). Một thời gian sau, do không chi trả được, nhóm đối tượng đã bắt anh L. rồi đánh đập dã man, ép phải trả số tiền theo giấy ghi nợ trước đó. Sau khi bị đánh, anh L. đã trình báo cơ quan công an phanh phui rõ sự việc.
Tháng 6/2016, một vụ việc tương tự khác đã xảy ra tại huyện Đông Anh. Do vay nợ không trả được, nạn nhân đã bị nhóm đối tượng do Nguyễn Hữu Tám (SN 1968, trú tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh) cầm đầu bắt ép về nhà đánh đập, đòi nợ. Sau khi nhận được đơn tố cáo, Công an huyện Đông Anh đã bắt giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhóm đối tượng tham gia đánh người về hành vi “Cướp tài sản”.
Hành vi giết người xảy ra tháng 8/2016 của nhóm “xã hội đen” chuyên cho vay nặng lãi do Vũ Quang Hùng (SN 1981, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cầm đầu đã nói lên sự nguy hiểm của hình thức “tín dụng đen”. Chỉ vì đòi nợ 5 triệu đồng, các đối tượng đã bắn, đuổi đánh và đẩy nạn nhân ngã từ tầng 3 xuống đường dẫn đến đa chấn thương. Khám xét tại nhà Hùng, cơ quan công an thu giữ một “kho” vũ khí mà đối tượng thường dùng để thị uy cũng như sử dụng khi các nạn nhân vay không trả được nợ.
Đây chỉ là 3 trong rất nhiều vụ việc được cơ quan công an phát hiện, xử lý thời gian qua.
Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn TP có khoảng 600 tổ chức hoạt động “tín dụng đen” không đăng ký. Mục đích kinh doanh của các tổ chức tín dụng “đen” này là tạo điều kiện cho người có nhu cầu vay vốn nhanh, thậm chí không thế chấp. Khi quá ngày ấn định, người dân không trả được tiền vay, các đối tượng của những tổ chức này đưa ra mức lãi phải trả rất cao hoặc dùng thủ đoạn ném chất bẩn vào nhà, hăm dọa, đánh đập nạn nhân… Mâu thuẫn có thể đẩy cao đến hành vi giết người. Đã có nhiều vụ việc phạm pháp hình sự nghiêm trọng của một số tổ chức tín dụng “đen” gây ra thời gian gần đây được thông tin để người dân nâng cao cảnh giác.
Để tránh được cạm bẫy vay vốn của nhóm tín dụng “đen”, các tổ chức xã hội, ngân hàng cần có nhiều hơn nữa những giải pháp thuận lợi cho sinh viên, các hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Trước mắt, người dân cần nâng cao nhận thức, cảnh giác với việc vay vốn của các tổ chức tín dụng “đen” dưới bất cứ hình thức nào.