Mối quan hệ nhiều phần thân thiết của 2 Nhà lãnh đạo Trump - Putin (trái) cũng tỏ ra khó có thể bảo tồn thành quả mà bộ đôi cựu Tổng thống Ronald Reagan - Mikhail Gorbachev (phải) đã ký năm 1987. |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 4/12 đã đưa ra mốc thời gian là 60 ngày cho những thay đổi từ phía Nga, bằng không sẽ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). "Tối hậu thư" này thể theo đúng lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump hôm 20/10 về việc hủy bỏ thỏa thuận song phương, vốn cấm Mỹ và Nga sở hữu, sản xuất hay thử nghiệm một loại tên lửa hành trình nhất định.
Hiệp ước ký năm 1987 này từng là công cụ chính giảm bớt căng thẳng từ thời Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên Mỹ và đồng minh châu Âu liên tục cáo buộc rằng chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vi phạm thỏa thuận, dù chưa một lần công bố chi tiết các bằng chứng về sự vi phạm này.
Nếu INF bị bỏ rơi, Washington và Moscow được cho là sẽ tự do phát triển và triển khai nhiều tên lửa hơn - một kịch bản nguy hiểm đối với Liên minh châu Âu, nơi vốn coi đây là cơ sở cho vấn đề đảm bảo an ninh của mình. Tuy nhiên, dường như những tác động từ quyết định của chính quyền Trump về INF đối với châu Á lại đang ít được nhắc đến so với mức độ nghiêm trọng mà nó có thể diễn tiến.
Yếu tố Trung Quốc
Theo các nhà phân tích chiến lược, Trung Quốc - nhà cung cấp và xuất khẩu vũ khí tương đối lớn, là một yếu tố chính trong tham vọng của ông Trump khi quyết rút Mỹ khỏi INF. Nhà Trắng từ lâu đã quan tâm đến kho tên lửa khổng lồ của Bắc Kinh và khí tài quân sự của nước này trên Biển Đông.
Tên lửa của Trung Quốc đang đe dọa các tàu Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ tại các nước láng giềng của Trung Quốc. Tuy nhiên vì hiệp ước INF mà các lực lượng tên lửa của Mỹ ở châu Á đang chịu sự giới hạn nhất định, và theo Raja Mohan thuộc Quỹ Carnegie Ấn Độ thì đó là lý do tại sao các nhà bảo vệ quốc phòng Mỹ, điển hình là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, đang tỏ ra ủng hộ việc nước này rút khỏi INF. Đối với họ, hiệp ước INF như là một rào cản "khiến Trung Quốc và Triều Tiên tự do phá hoại an ninh của Mỹ và đồng minh ở châu Á", ông Mohan nhận định.
Theo chuyên gia nghiên cứu về năng lượng và môi trường tại Gateway House ở Mumbai Amit Bhandari, kho đạn đạo của Bắc Kinh ước tính có trên 2.000 vũ khí, rõ ràng là mối đe dọa đối với các nước như Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan và quân đội Mỹ trong khu vực. Tổng thống Trump đã công khai bày tỏ mong muốn để Bắc Kinh tham gia INF nhưng chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình thẳng thừng tuyên bố rằng nước này không quan tâm.
Nếu Mỹ rũ bỏ INF, nước này sẽ được tự do phát triển và lắp đặt vũ khí tại các căn cứ quân sự của mình trên khắp châu Á, mà đáng chú ý là chính quyền Trump có thể triển khai nhiều hệ thống trên mặt đất ở Tây Thái Bình Dương hoặc tăng cường lực lượng ở Okinawa, theo hãng thông tấn chính trị Stratfor nhận định.
Tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh có thể xem những động thái này như một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia mình. Trong quá khứ, Bắc Kinh vẫn thường giới thiệu tên lửa mới cho kho vũ khí của mình trong thế đối trọng với những tiến bộ quân sự của Mỹ. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện an ninh trong khu vực - từ việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Hàn Quốc cho đến việc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải gần Đài Loan - đã vấp phải những lời chỉ trích gay gắt nhất từ Bắc Kinh.
Đợt sóng chạy đua vũ trang
Ngoài ra, bất kỳ phản ứng nào từ Trung Quốc đến sự khiêu khích của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng Ấn Độ và Pakistan.
Theo Rajesh Basrur, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang: "Khi Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ, điều này sẽ dấy lên sự bất an và tâm lý cạnh tranh ở Ấn Độ, cũng như tại Pakistan".
Đầu tháng này, New Delhi đã mua công nghệ tên lửa tiên tiến trị giá 5 tỷ USD từ Moscow - một thỏa thuận được coi là cách thức khẳng định quyền lực của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nam Á, nơi Trung Quốc đang thể hiện dấu ấn ngày càng đậm nét.
Nếu ông Trump từ bỏ INF, New Delhi "sẽ phải nghiêm túc đánh giá các động thái tiếp theo của những cường quốc", ông Mohan nhận xét.
Trên thực tế, sự phát triển của các phương tiện siêu thanh tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Mỹ thời gian qua đã khiến nhiều người tin rằng một cuộc đua vũ trang toàn cầu đã bắt đầu.