Để đảm bảo an toàn cho các giao dịch ATM, bên cạnh sự nỗ lực của ngân hàng, cơ quan quản lý, thì quan trọng nhất là sự cẩn trọng và cảnh giác của người dùng.
Gian lận thẻ tăng vọt
Ngày 21/12, lực lượng Chống tội phạm Công nghệ cao (Đội 14), Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã mở rộng vụ án làm giả thẻ tín dụng visa card và master card để mua vé máy bay của hãng Hàng không Việt Nam (VN Airline) rồi bán lại cho khách trên internet do Dương Văn Bách (Vĩnh Phúc) cầm đầu và 4 đối tượng khác là Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Anh Hùng và Nguyễn Anh Tú. Trong tháng 10 đến tháng 11/2011, Bách đã thuê đối tượng Nguyễn Công Cẩm (Nghệ An làm 40 thẻ tín dụng master card, visa card giả ngân hàng ACB, để cùng đồng bọn check in cho khách có nhu cầu đi máy bay của VN Airline trên các tuyến bay từ Hà Nội đến các TP Huế, Nha Trang và TP. HCM. Các đối tượng khác là Nguyễn Hoàng Dương (Hà Nội); Dương Xuân Hùng và Vũ Quang Độ (Hà Nội) đã tham gia in ấn, làm phôi thẻ tín dụng, master card, visa giả các ngân hàng. Khám xét nơi ở của Dương, cơ quan điều tra phát hiện, thu được 850 phôi thẻ ngân hàng và hàng chục thẻ tín dụng, master card, visa giả mạo nhiều ngân hàng; 1 máy in màu Epson R1390; 1 máy dập khuôn phôi thẻ; 1 CPU máy tính, 1 lưới in và nhiều dụng cụ cán mực, mực in là những phương tiện Cẩm cùng đồng bọn làm giả các loại thẻ.
Làm thẻ giả chỉ là một trong rất nhiều thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao. Ông Lê Minh Loan, Trưởng phòng Phòng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ thông tin và Truyền thông (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an) cho biết, gian lận thẻ trong thời gian qua nổi lên là việc sử dụng trái phép thông tin thẻ của người khác để đặt mua hàng (như điện thoại Iphone, máy tính bảng Ipad, đồ điện tử…), mua vé máy bay, thanh toán dịch vụ… Cơ quan công an đã thu giữ nhiều hàng hóa có giá trị lên tới cả tỷ đồng.
Thống kê của Hiệp hội thẻ cho thấy, gian lận thanh toán thẻ quốc tế tại thị trường Việt Nam tăng vọt trong năm 2011. Tổng giá trị giao dịch gian lận ước tính khoảng 1 triệu USD trong quý I và 1,5 triệu USD trong quý II, gấp 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm trước và so với các quý cuối năm 2010.
Cảnh giác để không bị “câu trộm” thông tin
Bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian gần đây xuất hiện loại tội phạm với các hành vi phá hoại trắng trợn, liều lĩnh nhằm ăn cắp tiền tại các máy ATM và đặc biệt là tình trạng gắn thiết bị đánh cắp dữ liệu thẻ tại ATM với tần suất, hành vi ngày càng tinh vi. Tội phạm thường gắn đầu đọc thẻ giả với kích cỡ nhỏ, có hình dạng giống những đầu đọc thẻ ATM thông thường được lắp chụp vào đầu đọc thẻ thật trên máy ATM. Những đầu đọc thẻ giả này được thiết kế và lắp đặt rất tinh vi và khó phát hiện nên khách hàng sẽ lầm tưởng đây là một bộ phận của ATM. Những thông tin bị "câu trộm" sẽ được sử dụng để làm thẻ giả. Sau khi lấy trộm được mã PIN, tội phạm sẽ dùng thẻ giả và số PIN này để rút tiền của chủ thẻ.
Hiện, có khoảng 350 thẻ thanh toán quốc tế giả đã được các đối tượng gian lận mang vào Việt Nam để thực hiện giao dịch. Địa bàn hoạt động của tội phạm thẻ quốc tế chủ yếu là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM.
Đối với thẻ ATM, tính từ đầu năm tới nay, đã có 5 vụ gắn các thiết bị đánh cắp thông tin thẻ để rút tiền. Số lượng thẻ ATM nghi ngờ bị đánh cắp dữ liệu khoảng 470 thẻ và tổn thất vào khoảng 300 triệu đồng.
Để phòng ngừa khỏi nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu, trước hết chủ thẻ cần phải tự bảo vệ mình khi thực hiện giao dịch. Cụ thể: - Lưu giữ, bảo quản thẻ cẩn thận, không cho người khác mượn thẻ. - Lưu ý không để lộ các thông tin về thẻ: số thẻ, số kiểm tra, mã số cá nhân (mã PIN)… - Che tay khi thực hiện nhập PIN - Không sử dụng thẻ giao dịch tại các trang Web lạ không có uy tín - Sử dụng Dịch vụ hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng khi có vướng mắc phát sinh hoặc khi cần hỗ trợ khẩn cấp như khóa thẻ khi bị mất thẻ… Bà Nguyễn Hồng Vân Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Vietcombank |