Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động nạn bạo hành nhân viên y tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác trong nghề, các cán bộ y tế phải đối mặt với những áp lực công việc, trách nhiệm về tính mạng con người, và cả những hiểm nguy rình rập.

Đó không chỉ là nguy cơ bị phơi nhiễm HIV, lây nhiễm các virus độc hại, mà nhiều y, bác sĩ (BS) còn bị hành hung, đe dọa tính mạng. Hàng loạt vụ việc tấn công y, BS thời gian qua được cơ quan công an làm rõ cho thấy thực trạng này đáng báo động.

Liên tiếp các vụ tấn công bác sĩ

Không chỉ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, các y, BS còn gặp phải những vấn đề khác như bị người nhà bệnh nhân chửi bới, hành hung. Có những trường hợp cán bộ y tế làm đúng quy trình, không mắc lỗi nhưng người nhà bệnh nhân vẫn đổ lỗi cho BS khi người thân của họ gặp chuyện không may, hay chưa được chữa trị đúng như ý của họ, dù không hiểu quy trình khám chữa bệnh thế nào.
Lực lượng chức năng phong tỏa, kiểm soát đối tượng gây rối tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư hôm 18/9. 	Ảnh: Đông Phong
Lực lượng chức năng phong tỏa, kiểm soát đối tượng gây rối tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư hôm 18/9. Ảnh: Đông Phong
Mới đây, sáng 18/9, một thanh niên đã leo vào tầng 4 Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), cầm dao xông vào phòng BS. Thấy 2 bảo vệ lên, nam thanh niên này rút dao đâm, nhưng rất may 2 người tránh được nên chỉ bị thương ở tay. Đến 11 giờ, lực lượng chức năng đã tiếp cận và khống chế được đối tượng. Nam thanh niên được xác định là Đào Văn Bính (SN 1983, trú tại xã Kênh Giang, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), có biểu hiện thần kinh hoang tưởng.

Công an quận Đống Đa cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng tại BV Nhi T.Ư. Trước đó, chiều 12/7, nhóm đối tượng này đã vào BV Nhi T.Ư hành hung điều dưỡng viên và bảo vệ, gây mất trật tự an ninh trong BV. Trước đó, ngày 26/3, một thanh niên có biểu hiện ngáo đá, say rượu cũng đã xông vào BV này chửi bới đội ngũ cán bộ y tế đang làm việc. Đối tượng này còn chửi cả vợ - đang làm thủ tục xuất viện cho con, rồi đòi đập phá BV.

Cách đây một năm, trong lúc đang cấp cứu cho một thanh niên, BS Phạm Thanh Tùng (BV Thanh Nhàn, Hà Nội) bất ngờ bị một người đàn ông xông vào chửi bới, gây thương tích. Trước khi xảy ra vụ việc, có một bé gái bị ngã và bị thương nhẹ được đưa vào phòng cấp cứu. Vì nghĩ cháu bé chưa được BS quan tâm kịp thời nên người đàn ông đó đã xông vào đánh khiến BS Tùng bị vỡ xương mặt.

Với những người công tác trong nghề y, thì những phụ nữ đang mang thai chịu thiệt thòi hơn cả, không những có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật mà còn đối mặt với sự bạo hành nghề nghiệp. Năm ngoái, Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị đau bụng. Qua các bước thăm khám, chẩn đoán, bệnh nhân được xác định bị đau bụng ở mức độ nhẹ và có biểu hiện rối loạn cảm xúc, vì thế được cho nằm theo dõi. Tuy nhiên, người chồng cho rằng BS bỏ mặc vợ mình trên giường bệnh nên đã dùng vật cứng đánh vào đầu nữ điều dưỡng đang mang thai 7 tháng và đánh đấm BS, điều dưỡng ca trực.

Một trong những vụ hành hung BS nghiêm trọng, đau lòng nhất là vụ việc xảy ra tại BV Đa khoa huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) cách đây vài năm. Do tình trạng nhập viện của bệnh nhân quá nặng nên dù các BS tích cực cứu chữa, bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Cho rằng kíp trực chậm trễ trong việc cấp cứu nên em trai bệnh nhân là Nguyễn Xuân Dũng đã lấy dao đâm khiến một BS bị thương nặng, một BS bị tử vong.

Phải xử lý nghiêm

Dù đã có cảnh báo và diễn ra nhiều cuộc hội thảo chuyên đề về vấn đề an ninh trong BV, thế nhưng hiện tượng mất an ninh trong BV vẫn tiếp diễn, đe dọa đến sự an toàn của người bệnh và đội ngũ cán bộ y tế. Vụ việc xảy ra tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về sự an toàn trong BV, dù đã có sự phối hợp giữa lực lượng công an với ngành y tế. Từ những vụ việc xảy ra, các BV nên rà soát lại vấn đề bảo vệ, nhằm bảo đảm sự an toàn và an tâm cho cán bộ y tế lẫn bệnh nhân.

Theo chia sẻ của các BS, nghề y có nhiều nét đặc biệt bởi đối tượng tiếp xúc của cán bộ y tế là bệnh nhân - những người bị tổn thương về thể chất, tinh thần. Do vậy, riêng việc giao tiếp với bệnh nhân là cả một nghệ thuật. Để có thể điều trị được bệnh, thì thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, kỹ thuật y tế cao chưa đủ, mà BS cần phải có tình người, có văn hóa ứng xử, tay nghề vững vàng và trái tim nhân hậu.

Trò chuyện với phóng viên, một nhân viên Khoa Cấp cứu, BV Việt Đức chia sẻ, cán bộ y tế phải chịu nhiều áp lực bởi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chưa hiểu hết quy trình khám bệnh, gây áp lực với đội ngũ y, BS, trong khi BV quá tải. Có trường hợp bị tai nạn chấn thương sọ não, người nhà bệnh nhân yêu cầu BS khẩn trương xử lý ngay, khâu lại vết thương mà không hiểu quy trình phải xét nghiệm, chụp chiếu trước. Không những chịu áp lực trong công việc, bị người nhà bệnh nhân lăng mạ, đe dọa, đội ngũ cán bộ y tế còn đối mặt với việc bị vu khống, phản ánh qua đường dây nóng của BV. Thậm chí, nhân viên trong Khoa từng bị bệnh nhân bóp cổ, hoặc có trường hợp bệnh nhân “ngáo đá” dùng kim tiêm chích vào tay, đe dọa các cán bộ y tế.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Thạc sĩ, BS Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, đặc thù là BV tiếp nhận các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó có nhiều bệnh nhân nghèo, ở vùng sâu vùng xa, hiểu biết thấp nên đôi khi ý thức tuân thủ cách ly chưa tốt. Thậm chí, đội ngũ BS, nhân viên y tế cũng có thể bị lây nhiễm. Những bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, quai bị, Sars…; hoặc lây nhiễm qua đường máu như viêm gan B, viêm gan C… khi thực hiện mổ, tiêm chích, chẳng may kim đâm vào tay. Trong khi đó, một vài bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn đầu lại có tâm lý muốn trả thù đời, hoặc các bệnh nhân bất hảo, khó quản lý nên cán bộ y tế phải gần gũi, tư vấn nhẹ nhàng... Y học không phải là thần thánh, trong khi bệnh nhân kỳ vọng vào BV quá cao, dẫn đến việc gây rối với BS. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân nữ nhiễm HIV giai đoạn cuối, chồng còn cầm dao đe dọa BS “không chữa khỏi bệnh cho vợ sẽ giết người”.

Trong xã hội hiện nay, có những người ở nhà đánh vợ con, thậm chí đánh cả bố mẹ, nên không tránh khỏi có những bệnh nhân vào BV cáu gắt, chửi bới, đánh nhân viên y tế. Có những bệnh nhân quen tranh giành, đòi hỏi, trong khi BV quá tải, ưu tiên cho những người bệnh nặng, thầy thuốc không thể bao quát hết khiến bệnh nhân khác bức xúc. Trong BV có những bệnh nhân “Chí Phèo”, ăn vạ, lăng mạ BS, gây ảnh hưởng tới đội ngũ cán bộ y tế, ảnh hưởng tới BV. Những người thấy vậy thường cho rằng “không có lửa làm sao có khói”, khiến nhiều người không có thiện cảm với các y, BS khi xảy ra những vụ việc như vậy trong BV.

“Bệnh nhân và BS đều là những con người, phải có sự tôn trọng lẫn nhau. Với nạn bạo hành nghề nghiệp trong nghề y, không những gây tổn hại cho đội ngũ thầy thuốc, mà còn gây hại cho chính các bệnh nhân cần sự giúp đỡ kịp thời của các nhân viên y tế. Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, có nhiều bệnh nhân phải thở máy, dùng thuốc vận mạch, nếu chỉ 2 - 3 phút không thở máy hay dùng thuốc sẽ dẫn đến tử vong. Vì vậy, nếu BS bị bạo hành, cũng chính là tấn công vào cả sinh mạng của người bệnh” - BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, việc hành hung, lăng mạ y, BS gây ra những thương tổn tinh thần ghê gớm cho đội ngũ này đang ngày đêm làm việc vất vả, phục vụ cho người bệnh, phơi nhiễm với nguy cơ bệnh tật và tai nạn nghề nghiệp. Vì vậy, phải có giải pháp ngăn chặn nạn bạo hành nhân viên y tế, cả bạo hành thể chất lẫn tinh thần. Bất cứ hành vi hành hung BS nào cũng cần lên án, bởi đây là hành vi mất kiểm soát ảnh hưởng đến sức khỏe thân thể, tinh thần người thầy thuốc. Vụ việc đánh bác sĩ cũng như đánh bất kỳ người nào khác trước hết quy về tội gây rối trật tự công cộng. Nếu thương tích gây ra hơn 11% thì phải xử lý hình sự.
Công an TP Hà Nội đã triển khai 15 tổ công tác bảo đảm an ninh trật tự tại 15 BV lớn, trọng điểm trên địa bàn TP, kiên quyết không để các loại tội phạm hoạt động tại các khu vực BV. Hơn một năm qua, Công an TP đã bắt giữ, xử lý 20 vụ cò mồi gây mất trật tự công cộng tại các BV nên số đối tượng này hoạt động không còn công khai, ngang nhiên trắng trợn như trước; tiến hành điều tra, xác minh làm rõ 75 vụ trộm cắp tài sản và 4 vụ lừa đảo tại các BV; bắt và xử lý 28 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy trước cổng các BV, xử lý 92 vụ gây rối trật tự công cộng.