Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động tình trạng giải ngân thấp vốn ODA

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng đầu năm 2019, mức giải ngân vốn ODA chỉ được gần 2.000 tỷ đồng, đạt 7% trên tổng số hơn 28.000 tỷ đồng số vốn được giao. Thực tiễn trên khiến Chính phủ yêu cầu phải xác định rõ các căn nguyên, những vướng mắc cản trở việc thực hiện và giải ngân các dự án, đưa ra được các giải pháp khắc phục và kế hoạch hành động hiệu quả để thúc đẩy.

 Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là một trong những dự án sử dụng vốn vay ODA chậm tiến độ. Ảnh: Hải Linh
Nút thắt giải ngân
Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới. Trong đó, 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại.

Hiệu quả của các dự án đã giảm rất nhiều kể từ giai đoạn 2014 - 2015.
Hiện, 6 ngân hàng tài trợ vốn ODA chính cho Việt Nam gồm WB, ADB, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Năm 2018, tổng số vốn cam kết của 6 ngân hàng là 28,9 tỷ USD nhưng vốn cam kết chưa giải ngân hiện vẫn ở mức cao, khoảng 16,9 tỷ USD, bằng khoảng 7% GDP của Việt Nam.
Tỷ lệ giải ngân đã giảm từ mức 23,1% trong năm 2014 xuống chỉ còn 11,2% trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của nhóm 6 ngân hàng, trong đó tỷ lệ giải ngân toàn cầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018 lần lượt là 21% và 20,2%. Năm 2018, mức giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách T.Ư chỉ đạt 53,6% kế hoạch Quốc hội giao.
Những tháng đầu năm 2019, mức giải ngân vốn ODA chỉ được gần 2.000 tỷ đồng, đạt 7% trên tổng số hơn 28.000 tỷ đồng số vốn được giao. Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm là việc phân bổ kế hoạch vốn hàng năm chậm. Thống kê của Bộ KH&ĐT, mới chỉ có khoảng 48% trong tổng số 60.000 tỷ đồng vốn mà Quốc hội giao được phân bổ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2019 do Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Lưu Quang Khánh giải thích, phân bổ chậm là do một số bộ, ngành, địa phương thiếu vốn đối ứng. Bên cạnh đó, một số dự án có nhu cầu vốn lớn nhưng vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư, do mức độ sẵn sàng của dự án thấp… Ngoài ra còn do chậm hoàn thiện thủ tục đấu thầu (52% số dự án gặp vướng mắc này), đặc biệt còn do vấn đề “thâm căn cố đế” của các dự án đầu tư là giải phóng mặt bằng gặp khó và kéo dài (43% dự án gặp vướng mắc này). 
Giảm hiệu quả kinh tế 
Theo ông Eric Sidgwick - Giám đốc ADB tại Việt Nam, việc giải ngân chậm vốn ODA sẽ gây tác động không tích cực tới phát triển. Ông Eric cho biết, hiện có những quan ngại liên quan đến trần nợ công của Việt Nam và việc Việt Nam tốt nghiệp nguồn vốn IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế) và IDF (Quỹ Phát triển thể chế). Việt Nam đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình. Báo cáo về định hướng thu hút, quản lý sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 của Bộ KH&ĐT cũng cảnh báo Việt Nam đã tốt nghiệp vốn vay tín dụng ưu đãi IDA của WB vào tháng 7/2017, cũng như của ADB vào 1/1/2019. Khi đó, Việt Nam có khả năng phải áp dụng điều kiện tăng trả nợ gốc vốn vay ODA của WB và ADB hiện hành lên gấp đôi.
Nói cách khác, Việt Nam đã không còn được nhận các khoản vay của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB và nguồn vốn từ Quỹ phát triển châu Á (ADF) của ADB. Nguồn vốn ODA của các đối tác phát triển khác cũng đang giảm đáng kể, thay vào đó là các nguồn vốn vay ưu đãi. Việt Nam phải chuyển sang vay ưu đãi gần điều kiện thị trường. Việc tốt nghiệp các nguồn vốn vay ưu đãi sẽ làm nghĩa vụ trả nợ gốc của Chính phủ tăng lên gấp đôi. Đồng thời rút ngắn thời gian vay đối với các khoản nợ hiện hành, đặc biệt là điều chỉnh lại các hợp đồng cho vay lại. Tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA chậm không chỉ làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng tới việc thực hiện dự án, mà có thể dẫn tới tranh chấp hợp đồng với nhà thầu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.
Giám đốc ADB khuyến nghị, Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư, đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và giao kế hoạch vốn hàng năm. Đối với thủ tục và thẩm định cho vay lại, Bộ Tài chính chỉ tiến hành quy trình thẩm định đối với hoạt động cho vay lại một lần trong quá trình chuẩn bị Dự án. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tăng cường năng lực cho các tỉnh và các đơn vị sự nghiệp bằng cách ban hành hướng dẫn và trách nhiệm giải trình…
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA, Chính phủ sẽ tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tiếp nhận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Sau khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ KH&ĐT sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế các Nghị định 16 và 132. Đồng thời đề nghị các nhà tài trợ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn ưu đãi.