Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo dưỡng máy lạnh cho mùa hè

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi bảo dưỡng máy lạnh, khách hàng cần giám sát chặt chẽ quá trình tháo lắp các thiết bị của sản phẩm để tránh tình trạng đổi đồ, làm hỏng, gãy thiết bị, thay đồ kém chất lượng, hoặc chỉ vệ sinh máy mà vẫn tính tiền bảo dưỡng.

KTĐT - Khi bảo dưỡng máy lạnh, khách hàng cần giám sát chặt chẽ quá trình tháo lắp các thiết bị của sản phẩm để tránh tình trạng đổi đồ, làm hỏng, gãy thiết bị, thay đồ kém chất lượng, hoặc chỉ vệ sinh máy mà vẫn tính tiền bảo dưỡng.

Mặc dù biến động giá cả nhưng chi phí để bảo dưỡng máy lạnh trên thị trường hiện chỉ từ 100.000-150.000 đồng. Thời gian bảo dưỡng máy lạnh tốt nhất là từ 1-2 tuần trước khi vào mùa sử dụng.

Phân biệt bảo dưỡng và vệ sinh máy

Theo anh Trần Văn Thắng, Tổ trưởng Tổ chăm sóc khách hàng Hệ thống siêu thị điện máy Topcare, với điều hòa 2 chiều, khoảng 6 tháng bảo dưỡng 1 lần. Điều hòa 1 chiều khoảng 1 năm bảo dưỡng 1 lần. Số lần bảo dưỡng còn tùy thuộc vào môi trường nơi sử dụng (nếu ở công trường xây dựng, hoặc gần đường thì thời gian bảo dưỡng ngắn hơn).

Anh Bùi Trọng Chương, kỹ thuật viên bảo hành điều hòa Công ty điện tử LG Electronics khuyến cáo, khi bảo dưỡng máy lạnh, khách hàng cần giám sát chặt chẽ quá trình tháo lắp các thiết bị của sản phẩm để tránh tình trạng đổi đồ, làm hỏng, gãy thiết bị, thay đồ kém chất lượng, hoặc chỉ vệ sinh máy mà vẫn tính tiền bảo dưỡng.

Thông thường, quy trình bảo dưỡng máy điều hòa sẽ gồm các thao tác: Vệ sinh máy; kiểm tra tình trạng bên ngoài của dàn nóng/lạnh (vỏ máy), các điểm nối điện; kiểm tra khả năng lưu thông gió của dàn nóng/lạnh; loại bỏ vật cản; vệ sinh khoang chứa quạt & cánh quạt của dàn lạnh, lưới lọc bụi, máng chứa nước ngưng cục lạnh, vỏ máy và kiểm tra sự rò rỉ gas tại rắc co nối. Ngoài ra, sẽ kiểm tra máy khi đang hoạt động như: Kiểm tra độ lạnh, tiếng ồn, độ rung động khác thường của máy nén; kiểm tra áp suất của gas trong máy; kiểm tra độ ồn của quạt (cục nóng/lạnh) và so sánh với trị số cho phép... Trong khi đó, việc vệ sinh máy chỉ cần một số thao tác đơn giản hơn nhiều.

Về vấn đề nạp gas, anh Trần Văn Thắng khuyên khách hàng nên  kiểm tra chỉ số hiển thị gas trên đồng hồ đo gas để biết chính xác mức gas đang còn trong máy của mình rồi hãy quyết định có nạp gas hay không. Với gas thường, mức đủ gas dao động từ 60psi – 80psi (hiển thị trên đồng hồ đo gas). Với gas Inverter mức đủ gas khoảng 150psi. Riêng đối với gas Inverter nếu thiếu gas thì bắt buộc phải xả hết gas cũ và hút chân không, sau đó nạp lại thì điều hòa mới đảm bảo chất lượng.

Khảo sát của PV, mặc dù giá cả thị trường biến động nhưng hiện giá bảo dưỡng máy lạnh lại rất dễ chịu, từ 100.000-150.000 đồng không kể nạp gas. Thậm chí, tại một số hãng điện lạnh và siêu thị điện máy còn có cả chương trình bảo dưỡng máy lạnh miễn phí cho những khách hàng như: Hệ thống siêu thị điện máy Topcare đang triển khai chương trình “Bác sĩ điện máy Topcare hành động” với các dịch vụ chăm sóc khách hàng, trong đó có miễn phí nạp gas, bảo dưỡng cho 1.000 khách hàng. Khách hàng chỉ cần gọi đến số ĐT: 32898989 và đăng ký theo chỉ dẫn. Hoặc chương trình bảo dưỡng miễn phí cho sản phẩm máy lạnh của LG thông qua đường dây nóng 18001503. Hãng này không hạn chế về số lượng và thời gian bảo dưỡng. 

Tự vệ sinh máy lạnh

Theo anh Bùi Trọng Chương, khách hàng cũng có thể tự vệ sinh máy lạnh tại nhà bằng cách tắt hết nguồn điện nối với máy lạnh, rồi tiến hành kiểm tra cụm trong và ngoài nhà, bảo đảm không có vật cản nào bên trong máy (bọ hoặc côn trùng chết...); Vệ sinh lưới lọc bụi; Kiểm tra dây nối điện nguồn và dây kết nối cụm trong cụm ngoài không bị đứt hoặc chạm chập; Lắp pin điều khiển từ xa; Đóng aptomat nguồn và bật máy. Quá trình chạy thử, nếu phát hiện máy có tiếng động lạ thì cần ngắt điện và tìm rõ nguyên nhân. Cần rút lưới lọc ra và phun nước rửa sạch (lưới bằng nilông nên không rửa nước nóng), rồi làm khô lưới mới lắp lại. Để máy hoạt động đạt hiệu suất cao cần có đủ gas và cần gọi thợ chuyên nghiệp bơm gas mới an toàn.

Để máy lạnh luôn vận hành với hiệu suất cao, tiết kiệm điện năng, nên vệ sinh định kỳ ít nhất 2 tuần 1 lần (đối với cụm trong nhà) và 6 tháng 1 lần (đối với cụm ngoài trời). Sau khi sử dụng khoảng 4 - 6 tháng, nếu thấy giàn trong và ngoài trời có nhiều bụi bẩn cần tháo vỏ máy và dùng máy hút bụi để vệ sinh. Sau đó dùng bàn chải hoặc giẻ mềm thấm nước ấm lau lại. Khi vệ sinh máy không được sử dụng chất tẩy, hoặc hoá chất ăn mòn vì có thể làm biến dạng các chi tiết khiến máy hỏng.