Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bao giờ có... thương hiệu?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam bắt đầu trở nên sôi động. Rất nhiều người có “bát ăn bát vàng” từ việc mở bảo tàng, thu hút khách.

Thế nhưng, doanh thu thực của bảo tàng đôi khi không đi kèm với chất lượng, độ chuyên nghiệp – đó là vấn đề được đặt ra trong buổi tọa đàm Nâng cao hiệu quả bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam, diễn ra ngày 17/11, tại Hà Nội.

10 năm 25 bảo tàng ngoài công lập

Bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam đi sau thế giới đến 300 năm. Nhìn từ những bảo tàng tư nhân như: Bảo tàng thuyền ở Amsterdam (Hà Lan), Bảo tàng hoa Tuy luýp (Hà Lan), Trung tâm dân tộc học và nghệ thuật truyền thống Lào… giới làm nghề không thể không khát khao về một tương lai phát triển bảo tàng ngoài công lập ở mảnh đất hình chữ S. Bởi vì, với bề dày lịch sử văn hóa, có quá nhiều câu chuyện bảo tàng có thể được trưng bày, thể hiện… thu hút du khách.
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên thu hút khách nhưng chưa thể có doanh thu. 	Ảnh: Linh Anh
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên thu hút khách nhưng chưa thể có doanh thu. Ảnh: Linh Anh
Năm 2006, Việt Nam mới có bảo tàng ngoài công lập đầu tiên. Đến nay, có đến 25 cái tên được “điểm danh” với đủ loại hình, lan tỏa ở khắp các địa bàn: Bảo tàng Mỹ thuật họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình (Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật của họa sĩ Phạm Thị ngọc Mỹ (Thạch Thất – Hà Nội), Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (Kiên Giang), Bảo tàng vũ khí cổ (Bà Rịa Vũng Tàu), Bảo tàng văn hóa Việt (Đà Nẵng), Bảo tàng Chu Lai (Quảng Nam)… Rất nhiều bảo tàng được công chúng nhắc đến như câu chuyện điển hình về khả năng kể những câu chuyện văn hóa, lịch sử sinh động. Bảo tàng không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) không khô khan như cái tên “bảo tàng” thường thấy, du khách đến với không gian văn hóa Mường sẽ có dịp được tìm hiểu về văn hóa Mường trong một môi trường thiên nhiên gần gũi và đầy sức sống. Bảo tàng Đồng Quê (Nam Định) lại gần gũi trong không gian trưng bày chậu đồng, thau đồng, mâm đồng qua các thời kỳ, cùng vô số nông cụ như liềm, gàu tát nước, cày cuốc, thúng mẹt, chày cối… Chưa kể đến những chiếc tủ bày chật kín những hũ tiền cổ, con dấu, triện, đèn cổ… “Qua 3 năm mở cửa đón khách, tôi hiểu rằng người dân thật sự quan tâm đến nền văn minh lúa nước, văn hóa đồng quê của dân tộc. Du khách đến với bảo tàng chúng tôi có cả học sinh, giới trí thức, người dân lao động…” – bà Ngô Thị Hiếu – Giám đốc Bảo tàng Đồng Quê cho biết.

Nguồn thu chủ yếu bằng dịch vụ đám cưới

Nhà Thiết kế Sỹ Hoàng – Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam đã nhiều năm dồn tâm huyết với tà áo dài, sẵn sàng chi 36 tỷ đồng xây bảo tàng nhưng cũng thừa nhận: “80 doanh thu đạt được, bù lỗ cho nguồn vốn đầu tư vào Bảo tàng Áo dài Việt Nam là nhờ việc tạo cảnh quan sân vườn cho thuê dịch vụ ghi hình cưới hỏi. Ngoài ra, tôi phải tổ chức những tour tham quan bảo tàng, thưởng thức bữa cơm gia đình… mới có thể có khách”. Trung bình 1 tháng ở Bảo tàng Đồng Quê đón 1.000 đến 2.000 lượt du khách, nhưng cũng là nhờ không kinh doanh bán vé nên mới đạt được con số đó.

Hầu hết các giám đốc bảo tàng ngoài công lập đều cho rằng chất lượng bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam quả là bài toán khó. Chưa có một bảo tàng nào đủ tiêu chuẩn về độ chuyên nghiệp từ khâu tiếp đón đến dịch vụ. “Trong khi dịch vụ là một trong những vấn đề quan trọng của bảo tàng, thì chúng ta chưa có nghiên cứu đầu tư. Nhiều bảo tàng chưa có sản phẩm dịch vụ đặc trưng, mà cứ na ná giống nhau” – PGS. TS Nguyễn Văn Huy cho biết. PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam thừa nhận: “Hiện nay, bảo tàng tư nhân đang kể được rất nhiều câu chuyện của văn hóa Việt mà bảo tàng công lập chưa làm được. Thế nhưng, để bảo tàng ngoài công lập của Việt Nam có được “thương hiệu” thì vẫn phải chờ ở tương lai, khi cách tiếp cận bảo tàng của công chúng cũng như nhà quản lý thông thoáng hơn; đi kèm với đó là sự chuyên nghiệp trong công tác truyền thông của người làm nghề”.