Nhưng ngay cả khi chưa có dịch nCoV, điệp khúc nông sản ách tắc tại các cửa khẩu hay được mùa, rớt giá không còn là câu chuyện mới.
Đến hẹn lại lên, vào dịp đầu năm, nhiều container trái cây, chủ yếu là thanh long, dưa hấu, chuối xuất khẩu sang Trung Quốc lại rơi vào tình trạng bị ùn ứ tại các cửa khẩu. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ, nhiều nhà vườn thanh long tại Tiền Giang, Bình Thuận đang “dở khóc dở cười” khi hàng lại bị dồn ứ. Một trong những nguyên nhân được nhìn nhận là do dịch nCoV gây ra, khiến Trung Quốc siết chặt thông quan.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân bởi câu chuyện nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu vùng biên không mới khi nhiều năm trở lại đây Trung Quốc thực hiện việc siết chặt tiểu ngạch, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc. Việc xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây tươi sang thị trường đông dân nhất thế giới cũng gặp phải nhiều khó khăn.
Chính vì thế, trong những năm qua, nhiều mặt hàng như dứa, khoai lang được đưa lên cửa khẩu nhưng phải… quay về do không nằm trong danh mục nông sản được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Thậm chí, ngay cả với 9 mặt hàng trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (thanh long, dưa hấu, chôm chôm, chuối, xoài, vải, nhãn, mít và măng cụt) cũng không dễ dàng do Trung Quốc siết chặt quy định nhập khẩu, thời gian làm thủ tục thông quan lâu hơn. Tại nhiều cửa khẩu, việc thông quan đã giảm đến 50% so với những năm trước đây…
Để giải quyết được vấn đề nông sản bị ách tắc, được mùa mất giá dẫn đến phải “giải cứu”, thiết nghĩ, cần có lời giải cho hai bài toán: Tổ chức lại sản xuất và mở rộng thị trường. Thực tế hiện nay, phần lớn các DN, chủ nhà vườn trong nước chưa có kế hoạch sản xuất phù hợp, thích ứng với thị trường. Điều này dẫn tới việc đầu năm, các mối hàng ồ ạt đổ lên cửa khẩu biên giới, trong khi nhu cầu tiêu thụ và năng lực tiếp nhận biên mậu của nước bạn lại có hạn.
Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần sớm có giải pháp quy hoạch, đầu tư vùng trồng nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản. Nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng vật nuôi phù hợp với thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương…
Liên quan tới bài toán thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây sang các quốc gia khác; tiến tới giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 8,47 tỷ USD năm 2019 (chiếm khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản), không thể phủ nhận, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu, tiêu thụ chủ yếu của nông sản Việt Nam trong nhiều năm tới. Do đó, một chiến lược bài bản để tiếp cận thị trường này, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất ngày một khắt khe của nước bạn là hết sức cần thiết.
Một trong những giải pháp đặt ra là các bộ ngành, địa phương cần quan tâm, tiếp tục triển khai có hiệu quả những cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, người sản xuất tiếp cận thông tin thị trường, tăng cường liên kết chuỗi gắn với nâng cao năng lực chế biến, chất lượng nông sản, hướng tới xuất khẩu chính ngạch sang đa dạng các thị trường.