Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Gắn phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua các phong trào thi đua, hàng năm, toàn ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao... Số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hàng năm đều tăng vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

 Dù có nhiều khó khăn song ngành BHXH đang quyết tâm mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện trong năm 2020. Ảnh: Thảo Nguyên
Gần 90% dân số tham gia BHYT

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 9/2020, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 86,4 triệu người, đạt 98,14% kế hoạch được giao. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh, đạt 786.173 người. Chỉ tính riêng số người tăng mới năm 2019 tăng gấp 2 lần giai đoạn 10 năm trước (2008 - 2018). Số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.

Các chế độ chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Công tác cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã giảm từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 27 thủ tục (năm 2019). Nhiều thủ tục rút ngắn thời gian giải quyết như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày... Riêng đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin...

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối liên thông với 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. Về kết quả thực hiện tinh gọn, sắp xếp bộ máy, BHXH Việt Nam đã giảm 65 đầu mối cấp phòng thuộc 63 BHXH cấp tỉnh, TP và 58 BHXH TP, thị xã trực thuộc BHXH cấp tỉnh, giảm 6 BHXH cấp huyện thuộc BHXH tỉnh...

Thi đua hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao

BHXH Việt Nam phấn đấu, đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số. Trong giai đoạn 2020 - 2025, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; triển khai dịch vụ công trực tuyến... Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt. BHXH Việt Nam cũng sẽ tăng cường công tác quản lý quỹ BHXH, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và hoàn thiện cơ chế tài chính để chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện thống nhất, tiện lợi cho người dân và DN…

Báo cáo tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành BHXH Việt Nam lần thứ V (2020 – 2025), vừa diễn ra, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết: Với sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là động lực từ các phong trào thi đua sát với thực tiễn, hàng năm BHXH Việt Nam đều thực hiện vượt chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội và ổn định an sinh đất nước. Việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều sáng kiến, giải pháp mới được áp dụng trong công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác.

Trên cơ sở kết quả đạt được, giai đoạn 2020 - 2025, toàn ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước với mục tiêu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao của ngành.