Giờ giáo dục thể chất của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hùng |
Năm học 2018 - 2019, trên địa bàn Hà Nội có hơn 1,6 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 96%. Trong năm học mới 2019 - 2020, BHXH TP Hà Nội xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia.
Hà Nội hiện có 1.736 trường học với trên 1,8 triệu HSSV. Với nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, giao dịch hồ sơ điện tử trong việc cấp thẻ BHYT, việc thực hiện chính sách BHYT ngày càng đơn giản, thuận tiện cho các HSSV và nhà trường. Nhiều trường đã đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT như: ĐH Lao động - Xã Hội, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, CĐ Y tế Hà Nội, CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội và khối các trường THPT, THCS, tiểu học thuộc các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân…
Tuy vậy, việc triển khai BHYT HSSV cũng còn gặp khó khăn như: Nhiều cơ sở giáo dục chưa có biện pháp ràng buộc HSSV tham gia BHYT nên tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đúng luật định. Tỷ lệ tham gia BHYT đối tượng SV còn khá thấp (91,62%), trong khi đó khối tiểu học có tỷ lệ lên tới 97,11%, khối THCS 97,49%, khối THPT 96,98%, khối trường GDTX 92,27% và khối trường trung cấp 97,38%. SV từ năm học thứ hai trở đi tham gia BHYT giảm đáng kể do nhiều em chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa nhân văn và sự cần thiết của việc tham gia BHYT; một số cơ sở giáo dục chưa chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho SV…
Tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên
Với quyết tâm đạt chỉ tiêu 100% HSSV trên địa bàn tham gia BHYT, BHXH TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 3049/BHXH-QLT hướng dẫn BHXH các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội về việc thực hiện công tác BHYT HSSV năm học 2019 - 2020. Theo đó, đối tượng tham gia là các HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn, kể cả HSSV hệ dân sự đang học tập tại các trường Công an Nhân dân (ngoại trừ những em đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác theo quy định của Luật BHYT). Riêng đối tượng HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân không thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Năm học 2019 - 2020, mức đóng BHYT HSSV (12 tháng) là 804.600 đồng. Trong đó, HSSV đóng 70% là 563.220 đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% là 241.380 đồng.
BHXH TP.Hà Nội yêu cầu, phương thức thu phí BHYT phải linh hoạt (3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng) để giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh HS vào đầu năm. Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Đối với SV mới nhập học, HS chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT HSSV những tháng còn lại của năm 2019, thời hạn sử dụng thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2019 để gia hạn thẻ năm sau. Thời hạn ghi trên thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tính nhân văn, tính cộng đồng của chính sách BHYT, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia BHYT của HSSV theo quy định của Luật. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc thu, cấp thẻ BHYT HSSV, trọng tâm là giao dịch hồ sơ điện tử. “Ứng dụng CNTT trong việc thu, cấp thẻ BHYT cũng tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí của các em HSSV và nhà trường”- bà Trần Việt Trang, Phó trưởng Phòng Quản lý Thu (BHXH TP Hà Nội) chia sẻ.