Với 377 phiếu thuận và chỉ có 48 phiếu chống, hạ viện Mỹ đã thông qua bộ luật mới về trừng phạt những công ty và cá nhân tham gia hoặc trợ giúp việc thực hiện công trình xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga trực tiếp sang Tây Âu, không phải quá cảnh qua bất cứ quốc gia Đông Âu nào bởi dẫn ngầm xuyên Biển Bắc. Bộ luật này có tên gọi chính thức là Luật về bảo vệ an ninh năng lượng cho châu Âu. Quốc hội Mỹ biện minh cho bộ luật này với lập luận là tuyến đường ống dẫn khí đốt này sẽ làm cho nước Đức bị lệ thuộc vào Nga về năng lượng.
Ảnh minh họa. |
Nội dung của bộ luật và những biện luận của quốc hội Mỹ không hề đả động gì đến lợi ích của Mỹ nên chỉ có thể thấy từ đó là Mỹ coi việc bảo về an ninh năng lượng cho châu Âu là lợi ích của Mỹ. Điều đáng nói ở đây là ngay chính nước Đức và những thành viên EU cũng như Nato khác tham gia dự án Nord Stream 2 lại không yêu cầu Mỹ tự nguyện đứng ra bảo vệ an ninh năng lượng cho họ. Họ thậm chí còn kiên quyết phản đối việc Mỹ cản phá dự án này cũng như ý định của Mỹ lợi dụng các biện pháp chính sách trừng phạt đơn phương trong chuyện trên danh nghĩa và về pháp lý chẳng liên quan gì đến Mỹ để cản phá việc thực hiện dự án ấy. Hơn nữa, phía Mỹ đâu có lạ gì thực tế là chính dự án này góp phần rất quan trọng và quyết định vào việc đảm bảo an ninh năng lượng cho các nước châu Âu liên quan. Thật rất khôi hài và thô thiển trên mọi phương diện khi Mỹ "bảo hoàng hơn vua" trong chuyện này.
Quốc hội Mỹ theo đuổi đồng thời hai mục đích riêng của Mỹ với bộ luật này chứ đâu có chuyện phía Mỹ "vô tư" khi tỏ ra chỉ vì lợi ích của các nước châu Âu. Thứ nhất, quốc hội Mỹ muốn ngăn cản các nước châu Âu tăng cường quan hệ với Nga, đặc biệt về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. EU và Nato nói chung và nhiều thành viên của hai tổ chức ấy nói riêng hiện có mối quan hệ chẳng ổn thoả gì với Nga. Trong bối cảnh tình hình như thế mà các nước châu Âu vẫn thúc đẩy mạnh mẽ và kiên định quyết tâm thực hiện dự án này thì đủ để thấy bản thân Nord Stream 2 quan trọng như thế nào đối với họ. Phía Mỹ chủ ý không chỉ phân hoá các thành viên EU và Nato kia với Nga mà còn tìm mọi cách cản phá các mối quan hệ đối ngoại và kinh tế đối ngoại của Nga để qua đáy vừa dễ chi phối các nước này trong quan hệ với Nga vừa tối đa hoá được áp lực đối với Nga trên mọi phương diện.
Thứ hai, quốc hội Mỹ chủ trương dùng luật này để buộc các nước ở châu Âu không nhập khẩu khí đốt của Nga mà nhập khẩu khí đốt hoá lỏng của Mỹ, thu hẹp thị trường khí đốt của Nga và khai phá thị trường ở châu Âu cho khí đốt của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cố xuý mạnh mẽ cho bộ luật này vì nó chính là công cụ đắc dụng mới giúp ông Trump thực hiện phương châm "Nước Mỹ trước hết" trên phương diện bán sản phẩm của Mỹ ra nước ngoài. Trong cuộc xung khắc thương mại đã phát động nhằm vào EU, ông Trump đã công khai gắn việc EU phải chấp nhận mua nhiều khí đốt hoá lỏng của Mỹ hơn vào triển vọng thoả thuận thương mại. Cả với Trung Quốc hay nhiều đồng minh và đối tác chiến lược lâu nay khác nữa của Mỹ, ông Trump cũng đều hành xử như vậy. Mặt khác, ông Trump nhờ đấy mà có được thêm một con chủ bài mới nữa để xử lý quan hệ của Mỹ với Nga và EU.
Hiện tại, dự án Nord Stream 2 đã được thực hiện hoàn tất khoảng 90%. Bộ luật này của Mỹ không phá huỷ được nó mà chỉ cản trở tiến độ xây dựng dự án và hoạt động sau này của nó ở mức độ nhất định. Nhưng hệ luỵ không thể tránh khỏi là mối quan hệ giữa Mỹ với các nước ở châu Âu và Nga nói chung sẽ thêm khúc mắc, về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nói riêng vì các nước này và Nga sẽ buộc phải đáp trả Mỹ. Các đối tác này không những chỉ càng thêm quyết tâm thực hiện mà còn buộc phải cùng hội cùng thuyền với nhau để bảo vệ những lợi ích cơ bản và chiến lược lâu dài của họ.