Những vấn đề Báo phản ánh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo giải quyết kịp thời từ các đơn vị có liên quan.
Được độc giả và đồng nghiệp ghi nhận
Quá trình đô thị hóa đã tạo đà để Hà Nội bứt phá về mọi mặt, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong quá trình phát triển đô thị. Trong đó, quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường (VSMT) luôn làm “đau đầu” chính quyền cấp cơ sở cũng như các lực lượng chức năng bởi những hệ lụy xuất phát từ ý thức của một bộ phận người dân và sự buông lỏng quản lý từ cấp cơ sở.
Thực tế, tại nhiều nơi, mặc dù lực lượng chuyên trách vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng, VSMT… tuy nhiên, vi phạm vẫn nhiều. Đáng chú ý, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên khi vắng bóng các lực lượng chức năng, họ lại tái diễn vi phạm. Nhận thức rõ được những khó khăn đó, ngay từ những số báo đầu tiên, Kinh tế & Đô thị đã xây dựng trang nội dung tập trung cho vấn đề quản lý đô thị và xây dựng đô thị.
Báo đã thường xuyên triển khai, phản ánh, phân tích từ các vụ việc vi phạm cho tới các vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm liên quan tới chủ trương, chính sách xây dựng, quản lý đô thị tại Thủ đô. Trong đó, phải kể đến một số tuyến bài, loạt bài như: Gỡ nút thắt về tình trạng UTGT tại khu bán đảo Linh Đàm; Tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng về đêm tại nút Văn Cao - Trích Sài; Giải tỏa chợ cóc trên phố Vũ Tông Phan; Nỗi lo cháy nổ ở các khu chung cư cũ; Khổ như nhà tái định cư…
Những bài báo về mảng trật tự đô thị luôn được độc giả và đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Đáng chú ý, nhiều tác phẩm viết về trật tự đô thị của báo Kinh tế & Đô thị liên tục đạt được những giải cao trong các giải báo chí do Hội Nhà báo TP Hà Nội và T.Ư tổ chức, như loạt bài “Di dời bộ, ngành, trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô Hà Nội” của nhóm tác giả Ban Đô thị đã giành giải Nhất Giải báo chí Ngô Tất Tố năm 2017.
Nhiều điểm nóng được xử lý từ phản ánh của báo
Từ những phản ánh của báo, các đơn vị có liên quan đã tiếp thu và kịp thời xử lý nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân cũng như tránh phát sinh những điểm nóng không đáng có. Đơn cử như tình trạng họp chợ lấn chiếm lòng đường vỉa hè phố Vũ Tông Phan, khu vực giáp ranh giữa phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) và phường Định Công (quận Hoàng Mai) diễn ra cách đây vài năm.
Tại thời điểm đó, do những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là việc thiếu sự phối hợp giữa lực lượng chức năng 2 phường Định Công và Khương Đình nên tình trạng chợ sai quy định đã diễn ra hết năm này đến năm khác. Tuy nhiên, sau chùm bài phản ánh về những bất cập này, công an 2 quận là Thanh Xuân, Hoàng Mai đã ngồi lại với nhau để đưa ra phương án xử lý tình trạng trên.
Chùm bài về những sai phạm trong sử dụng đất của Công ty CP Đa quốc gia tại mương Phan Kế Bính, quận Ba Đình cũng là một minh chứng rõ nét cho tính phát hiện của báo Kinh tế & Đô thị đối với các lĩnh vực trên địa bàn. Đối với vụ việc, báo Kinh tế & Đô thị là một trong những tờ báo có bài phản ánh đầu tiên, sau đó, UBND quận Ba Đình đã tiến hành cưỡng chế, xử lý sai phạm theo quy định...
Cẩm nang quản lý trật tự đô thị
Là Cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội, trong suốt 20 năm hình thành và phát triển, báo Kinh tế & Đô thị đã trở thành một trong những tài liệu “cầm tay” của chính quyền các địa phương. Ông Đặng Minh Chính - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự, quận Đống Đa cho biết: “Với đặc thù địa bàn tập trung nhiều nhà chung cư cũ không có tầng hầm nên việc đảm bảo nhu cầu gửi xe của người dân là vấn đề làm đau đầu chính quyền địa phương. Tuy nhiên, từ khi Kinh tế & Đô thị đăng tải bài viết về kinh nghiệm, cách làm hay của quận Ba Đình trong việc tổ chức trông giữ phương tiện trên sân chơi, chúng tôi đã tìm ra được hướng giải quyết cho bài toán khó này”.
Trong khi đó, chia sẻ về những kết quả trong công tác quản lý trật tự đô thị tại khu vực cầu Lủ (phố Vũ Tông Phan), lãnh đạo Đội CSGT - Trật tự - Cơ động, Công an quận Thanh Xuân chia sẻ, trước khi Kinh tế & Đô thị phản ánh, các lực lượng chức năng quận và phường Khương Đình đã tổ chức rất nhiều đợt ra quân với sự tham gia tất cả các tổ chức đoàn thể, hệ thống chính trị, nhưng hiệu quả đem lại chưa được như mong đợi. Bởi, thực tế cho thấy, tại những khu vực giáp ranh giữa 2 quận, nếu chỉ trông chờ một phường, một quận thì việc xử lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Do đó, khi báo Kinh tế & Đô thị có bài phản ánh và chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý trật tự đô thị tại chợ cầu Lủ, liên quận Hoàng Mai và Thanh Xuân đã ngồi lại với nhau để đưa ra biện pháp xử lý cũng như ngăn chặn các hành vi tái phạm” - đại diện Đội CSGT - Trật tự - Cơ động, Công an quận Thanh Xuân nói.